Bạn đã làm chủ được cuộc đời bạn chưa?

Bạn đã làm chủ được cuộc đời bạn chưa?

Thỉnh thoảng tôi có thói quen ngồi cà phê một mình. Hoặc là để sáng tác, hoặc chỉ đơn giản là để thưởng thức một đồ uống ngon trong lặng lẽ, ngắm nhìn phố phường, dòng người ngược xuôi qua lại.

Hôm đó, khi tôi đang ngồi kỳ cạch bên bàn phím máy tính trong không gian một quán cà phê tĩnh lặng thì có một nhóm học sinh nữ bước vào. Sự tĩnh lặng bỗng bị phá vỡ bởi những tiếng nói cười rộn rã.
Nhóm bạn ngồi ngay chiếc bàn ngoài ban công, đối diện với bàn tôi qua khung cửa sổ nên dù có không muốn thì những câu chuyện của họ vẫn lọt vào tai tôi một cách hết sức tự nhiên. Thì ra, nhóm bạn tới đây để học nhóm, chuẩn bị nội dung cho một bài tập nhóm có chủ đề “Làm thế nào để có thể làm chủ cuộc đời mình?”.
Tôi thấy, với học sinh Trung học thì đề tài này quả thực rất hay. Thế là, tôi dừng lại những công việc của mình, cầm tách trà lên và bắt đầu lắng nghe những luận điểm của các cô gái trẻ. Một cô gái có mái tóc buộc đuôi gà, mắt đeo kính cận đặt câu hỏi:
-Thế theo mấy bà, làm chủ cuộc đời là thế nào?
Lần lượt các cô gái đưa ra luận điểm của mình:
-À, thì tức là được làm bất cứ điều gì mình muốn. Đơn giản như không bị bố mẹ quản lý nữa, tự kiếm tiền, tự mua những gì mình thích.
-Tổng kết lại thì nó là: ăn món mình thích, lấy người mình yêu, làm điều mình muốn. Nói thế cho nhanh.
Một cô nàng dáng vẻ trầm ngâm hơn bấy giờ mới cất tiếng:
-Tôi thì nghĩ, làm chủ cuộc đời không chỉ đơn giản là làm bất cứ điều gì mình muốn, mua cái gì mình thích hay tự do giờ giấc không bị ai quản lý mà là cần tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Khi không để ai can thiệp vào cuộc đời mình, tự làm theo ý mình thì ắt hẳn sẽ phải tự gánh lấy trách nhiệm, có gan làm, có gan chịu. Mà đôi khi, quãng đường từ đây cho đến khi hoàn toàn trưởng thành, chín chắn còn dài lắm, sẽ có nhiều sai lầm, mà cái giá của những sai lầm đó có lẽ sẽ không dễ gì vượt qua đâu.


Cô bé đó nói rất đúng ý tôi. Người thực sự trưởng thành sẽ làm chủ được cuộc đời mình. Nhưng, làm chủ cuộc đời mình nghĩa là như thế nào thì không phải ai cũng có thể trả lời được một cách thỏa đáng. Trước tiên, muốn làm chủ được cuộc đời mình, ta phải hiểu rõ chính mình đã. Hiểu bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào, cần làm gì và muốn làm gì? Sau đó, phải có khả năng đưa ra lựa chọn, lựa chọn những gì phù hợp nhất với khả năng của bản thân: lựa chọn hướng đi, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn bạn bè, lựa chọn bạn đời.v..v.. Và lựa chọn rồi thì phải có khả năng chịu trách nhiệm, gánh vác thậm chí là trả giá cho những quyết định đó. Nên nhớ rằng, dù có thể sẽ có rất nhiều người muốn can thiệp vào những lựa chọn của bạn, nhưng cuối cùng người phải trả giá cho những lựa chọn đó, lại chỉ có bản thân bạn mà thôi.
Thực tế có rất nhiều người phụ nữ bởi vì không dám gánh vách, không dám trả giá nên không dám đưa ra lựa chọn. Họ cứ quanh quẩn trong mớ hỗn độn cảm xúc, âu lo của chính mình, ở giữa cái gọi là sự kỳ vọng và thực tế, mong nắm được cái này nhưng lại không muốn mất cái kia. Thế nên, họ cứ chần chừ, cứ lần lữa, cứ chờ đợi mãi để những tháng ngày thanh xuân ít ỏi trôi vụt mất. Thứ còn lại chỉ là mớ cảm xúc hỗn độn, tiếc nuối, dằn vặt, đau khổ, stress liên miên.
Từng có một cô gái nhắn tin cho tôi nhờ tôi đưa ra lời khuyên cho hoàn cảnh của cô ấy. Cô ấy đã lấy chồng được bốn năm và hiện tại đang có một em bé 2 tuổi. Chồng cô ấy ngoại tình. Cô ấy phát hiện ra anh ta ngoại tình từ trước khi cô ấy sinh con đúng một ngày. Quả là một cú sốc quá lớn. Thế rồi, vì con, cô ấy nhắm mắt cho qua. Nhưng chẳng lâu sau, ngựa quen đường cũ, chồng cô ấy lại tiếp tục gặp gỡ người phụ nữ kia. Cô ấy phát hiện, làm um lên, mắng chửi chồng không tiếc lời và đòi ly hôn nhưng chồng cô ấy không đồng ý. Thời gian đó, chồng cô ấy bắt đầu có sự thay đổi, về nhà với vợ nhiều hơn, quan tâm đến vợ nhiều hơn. Cô ấy lại thêm một lần nữa tha thứ cho chồng với lý do giữ bố cho con.
Ít lâu sau, chồng cô ấy chuyển công tác xa nhà. Một tháng, anh ta chỉ về thăm mẹ con cô một lần. Con cô ấy lúc đó mới được 8 tháng tuổi. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, anh ta lại ngoại tình. Nhưng đến lần này thì cô ấy hoàn toàn bất lực, không biết phải làm thế nào. Bởi vì dù cô ấy có nổi điên lên, có mắng chửi, có chì chiết thì chồng cô ấy vẫn ngang nhiên cặp bồ. Anh ta bỏ ngoài tai tất cả những lời oán trách của cô, mặc kệ cô với những tủi hờn, uất hận dồn nén suốt những tháng ngày một mình vất vả nuôi con. Cô lại đòi ly hôn.
Ngày chồng cô về nhà, họ cãi nhau một trận long trời lở đất. Những gì cô ấy nghe được rốt cuộc không phải là lời xin lỗi mà lại là “Tôi đi ngoại tình là lỗi của cô đấy. Nếu cô biết quan tâm đến tôi. Biết làm tôi vui lòng thì tôi có đi ngoại tình không?”.
Nghe mấy lời nói đó của chồng, cô gần như tuyệt vọng. Ngày đó, họ còn ở chung với bố mẹ chồng nên mâu thuẫn của hai vợ chồng, bố mẹ chồng cô cũng biết hết. Nhưng, không những không bênh cô, mẹ chồng cô còn lớn tiếng nói với cô rằng “Không có một thằng chồng nào nó lại muốn lấy một con vợ mà đến nói một câu nhẹ nhàng cũng không biết. Không phải là mẹ bênh con trai mẹ, nhưng mày không thể ngọt ngào với nó được hả con? Mày cứ suốt ngày lải nhải nhiếc móc nó thế thì làm sao nó chịu được mà chả đi ngoại tình. Đàn ông ai chả giống nhau, cờ bạc, rượu chè, gái gú tránh làm sao được, vấn đề là mình có biết cách để giữ chồng không thôi. Thế nên là, trách người cũng phải nhìn lại mình con ạ”.
Nghe cô ấy kể đến đây, tôi thực sự rất bực mình. Các bạn ạ, nếu ai đó thường xuyên theo dõi các bài viết của tôi, sẽ nhận thấy, quan điểm của tôi luôn là hướng phụ nữ biết nhìn lại bản thân, nhận thấy những khuyết điểm của bản thân, nhìn thấy những sai lầm của bản thân để sửa đổi, để tự nâng cấp mình sao cho bản thân xứng đáng được đón nhận những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng không phải trong hoàn cảnh như thế này, với một cách truyền đạt như thế này.
Mẹ chồng của cô ấy có thể nói đúng, rằng trách người thì phải nhìn lại mình. Nhưng đứng ở cương vị một người mẹ, người cần có cái nhìn khách quan, đa chiều, đứng ở giữa hòa giải, phân tích vấn đề một cách thấu đáo thì cả lời nói và cách nói của bà ấy đều đã sai hoàn toàn. Tôi đánh giá cao những bà mẹ chồng biết nặng, biết nhẹ, biết đúng, biết sai, biết nghe từ hai tai chứ không phải trong lúc nước sôi lửa bỏng lại đứng về phía con trai để lên án con dâu như thế. Tôi hỏi cô ấy:
-Giờ em đang ở đâu?
-Em đang ở nhà mẹ đẻ em.
-Sự việc này diễn ra lâu chưa?
-Cách đây 2 tháng chị à.
-Vậy, cảm giác của em hiện tại như thế nào? Em mong muốn điều gì?
-Em muốn ly hôn. Em uất hận lắm chị à. Nhưng, em sợ ly hôn rồi con em sẽ không có bố. Con em còn bé quá, nó chẳng làm gì sai cả để phải chịu cảnh gia đình tan nát.
-Giữa có bố và không có bố, em thấy có gì khác nhau sao?
Cô ấy dường như nhận ra ý tứ trong câu hỏi của tôi nên ngập ngừng khá lâu mới trả lời.
-Không… thực ra, em vẫn phải một mình nuôi con. Chồng em anh ấy còn có thói cờ bạc nên… tiền anh ấy kiếm ra toàn phải để trả nợ.
-Vậy thì quả là khác nhau thật đó. Có chồng là có thêm gánh nặng, thêm sự dày vò, thêm uất hận, thêm kẻ thù. Ngày ngày em vừa nuôi con, vừa bù đầu nghĩ cách đối phó với chồng, nghĩ xem anh ta giờ này đang ở đâu, với ai, làm thế nào để khiến anh ta quay đầu? Em không thấy như vậy là quá mệt mỏi sao?
-Em mệt mỏi lắm chứ. Nhưng, có khi nào mẹ chồng em nói đúng không? Là do em không ngọt ngào được với chồng nên anh ấy mới ngoại tình hả chị? Dù em đã cố nhiều lần, nhưng không thể ngọt ngào được. Vì cứ nhìn thấy chồng là em lại thấy sự phản bội.
-Một sự việc đã xảy ra thì có muôn vàn lý do người ta có thể nghĩ ra để bào chữa. Nhưng một khi người đàn ông đã đi ngoại tình, mà ngoại tình không chỉ một lần mà còn nhiều lần. Thì chỉ có duy nhất một lý do thôi, đó là anh ta đã hết yêu em rồi. Khi anh ta yêu em thì dù em có sai cũng thành đúng, ngược lại một khi đã hết yêu em rồi thì dù em có đúng cũng thành sai thôi. Bởi vì, người anh ta yêu hiện tại là chính bản thân mình. Thế nên, anh ta sẽ tìm mọi lý lẽ để bảo vệ bản thân, kể cả những lý lẽ đó có khiến em bị tổn thương sâu sắc. Em nghĩ rằng, vào hoàn cảnh này, sự ngọt ngào của em có thể khiến anh ta quay đầu sao? Dù anh ta đã găm liên tiếp những vết dao vào tim em?
-Em không biết nữa, em không biết bây giờ mình phải làm gì. Em không muốn quay lại nhà đó nữa, nửa muốn ly hôn, nửa không đành. Em chỉ muốn giữ bố cho con em thôi.
-Em gái à. Hãy nghĩ đến bản thân em trước. Bởi vì, một người mẹ hạnh phúc mới nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc. Em nghĩ sao nếu ngày ngày em nhìn con bằng ánh mắt buồn rầu đó? Đối với một đứa trẻ thì người mẹ chính là cả thế giới của chúng. Sẽ ra sao nếu cả thế giới ấy chỉ tràn ngập một màu xám xịt u ám. Em có thể hạnh phúc không nếu cứ ôm mãi trong lòng nỗi u uất ấy? Chị chỉ là một người ngoài cuộc, chỉ thông qua một cuộc nói chuyện ngắn thế này, chị chưa thể hiểu hết được nội tình gia đình em. Bởi vậy, chị không thể khuyên em ly hôn hay không ly hôn với chồng. Lựa chọn ấy thuộc về em, cuộc đời em phải do em quyết định. Nhưng, chị chỉ có đôi điều muốn gửi gắm đến em như thế này. Cho dù, em có lựa chọn như thế nào cũng phải có bản lĩnh gách vác, trả giá cho những quyết định đó.
Nếu em tin rằng chồng em có thể thay đổi, em sẽ giữ được bố cho con, em không ly hôn thì phải có bản lĩnh tha thứ, quên đi lỗi lầm của anh ta và ngừng oán trách chồng.
Nếu chồng em vẫn không hề thay đổi, ngựa quen đường cũ, cờ bạc gái gú, nhưng em vẫn không muốn ly hôn thì bản lĩnh của em là phải biết chấp nhận hiện thực phũ phàng ấy, chấp nhận mình sống như một cái bóng trong nhà, chấp nhận cả đời sẽ không có được tình yêu và sự tôn trọng của chồng, chấp nhận gánh vác trọng trách của gia đình một mình, chấp nhận để cả đời trôi qua như rất nhiều người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến vậy.
Còn nếu, em không thể chấp nhận sống với một người chồng như vậy, em quyết định ly hôn thì bản lĩnh của em là cần buông bỏ những nỗi đau trong quá khứ, tái thiết lại cuộc đời, một mình tiến lên phía trước đối đầu với chông gai, mặc dù gia đình tan vỡ, nhưng đổi lại, em sẽ là người làm chủ cuộc đời mình, sống cho mình, đôi vai em sẽ nhẹ nhõm hơn, vết thương trong tim sẽ dần được thời gian chữa lành. Vợ chồng ly hôn không có nghĩa là con sẽ mất bố. Mất hay không, nó tùy thuộc vào cách ứng xử của hai vợ chồng hậu ly hôn.
Em à, chị rất thương em. Bởi vì, nhìn vào câu chuyện của em, chị như thấy thấp thoáng hình bóng của mẹ chị. Mẹ chị cũng từng có thời gian rơi vào tình cảnh như em vậy. Và con em, có lẽ cũng giống chị hồi đó. Chị sợ hãi khoảng thời gian đó vô cùng. Sợ ánh mắt u uất của mẹ, sợ những giọt nước mắt của mẹ, sợ những trận cãi vã của mẹ và bố… Con em, có khi nào cũng cảm thấy sợ hãi như chính chị ngày xưa không?
Sau tin nhắn rất dài ấy của tôi, cô ấy lặng lẽ đọc, kỳ cạch gõ gì đó rồi lại xóa đi… Rốt cuộc, chẳng có tin nhắn hồi âm nào được gửi đến. Có lẽ, cô ấy đã hiểu rằng, rốt cuộc quyết định vẫn thuộc về cô ấy. Chẳng có ai trên đời có thể giúp cô ấy giải quyết vấn đề của chính mình được.
Bạn thân mến à, bi kịch của cuộc đời thường đến từ sự mâu thuẫn giữa ước muốn và hiện thực. U uất, đau khổ cũng từ đó mà ra. Vừa không muốn ly hôn chồng nhưng lại không thể tha thứ được cho chồng. Vừa cố chấp sống cùng chồng nhưng lại vừa mang theo nỗi u uất, oán hận anh ta suốt phần đời còn lại. Muốn ly hôn chồng nhưng lại sợ phải đối mặt với tương lai mờ mịt. Muốn nuôi con nhưng lại sợ phải nuôi con một mình. Muốn tự do nhưng lại sợ mất đi điểm tựa. Muốn sống cuộc đời bình an nhưng lại không muốn buông bỏ hận thù. Muốn thành công nhưng lại ngại gian khổ…
Nếu cứ sống giữa mớ hỗn độn như vậy, vừa muốn được cái này, vừa không muốn mất cái kia, cuối cùng, chúng ta sẽ chẳng có gì cả. Muốn có được tất cả, cuối cùng lại chẳng có được gì. Bởi vậy, làm chủ cuộc đời đâu phải việc dễ dàng và không phải ai cũng có được bản lĩnh đó.
Cuộc đời con người là xâu chuỗi của những sự lựa chọn. Hoặc là sống chung với nghịch cảnh và chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên. Hoặc vươn lên thoát ra khỏi nghịch cảnh để tìm cho mình một vùng trời bình yên sau những ngày giông bão. Chỉ có như vậy mới giúp ta không rơi vào bi kịch cuộc đời do chính ta tạo nên. Có ai đó nói: “Làm gì có ai đánh thuế ước mơ đâu, cứ ước mơ đi”, nhưng họ lại quên không nói một vế quan trọng hơn, đó là “Mọi ước mơ đều có giá”.
Hoàn cảnh đôi khi có thể đưa đẩy ta vào tình thế khó khăn trùng trùng, nhưng để mặc cho khó khăn vùi lấp hay đạp bằng chông gai mà vươn lên lại là do chính ta tự định đoạt. Cái giá của việc có thể làm chủ cuộc đời mình chính dám lựa chọn, dám gánh vác, dám trả giá cho những ước muốn của bản thân bằng một thái độ quyết đoán. Bạn đã thực sự làm chủ cuộc đời mình chưa?

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO