Nghề nào là nghề cao quý

Nghề nào là nghề cao quý

Tôi đã có một cuộc trò chuyện với cô bán cháo ở khu chợ cóc gần nhà. Mỗi ngày cô bán được trung bình 200 bát cháo. Mỗi bát cháo lãi 10 nghìn đồng. Tổng cộng, một tháng cô kiếm được 60 triệu đồng từ công việc bán cháo, một năm là 720 triệu. Chưa kể đến, ngoài cháo, cô còn bán thêm xôi chè, bánh trôi, bánh chay. Bù trừ chi phí thuê chỗ, cứ cho là còn tròn 700 triệu.
Nhìn vào hàng cháo nhỏ bé, đơn sơ o mình nơi góc chợ, chỉ có vài cái nồi cỡ lớn và hai cái thúng to úp bát, chẳng ai nghĩ rằng công việc mà cô đang làm lại mang về một khoản thu nhập lớn tới vậy.
Sau nhiều năm ròng rã bán cháo, cô không chỉ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn mà còn sắm cho mình một căn nhà khang trang tại một ngõ nhỏ ở Hà Nội. Đó là việc mà không phải bất cứ ai trong số chúng ta cũng làm được.
Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu tôi chỉ đơn giản ăn cháo, tám chuyện rồi đi về. Nhưng, khi tôi vừa đứng dậy định thanh toán thì một tốp 5 - 7 cô gái cũng chạc tuổi tôi ùa vào hàng cháo. Nhìn dáng vẻ, cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, tôi ngợ rằng, họ là nhân viên công chức của một cơ quan nhà nước gần đấy.
Họ cười nói huyên náo cả quán cháo, kéo ghế quèn quẹn và gọi cháo với một thái độ rất phân biệt đẳng cấp.
Ra về, tôi cứ nghĩ mãi về họ, về những người trẻ như tôi và trẻ hơn tôi. Chúng ta đang thiếu thứ gì để có thể giúp cho cuộc đời mình trở nên tốt đẹp? Tôi nghĩ rằng, đó chính là sự tôn trọng, khiêm tốn và học hỏi. Tôn trọng sự khác biệt của người khác, tôn trọng những giá trị thực. Ai giàu, ai nghèo, học cao hay ít học chẳng phải đều hơn nhau ở cách sống và thái độ sống hay sao?
Bạn là công chức nhà nước, bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân, hay học tiếp lên cao học để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Bạn tự hào về điều đó, về những tấm bằng do đổ mồ hôi công sức và nỗ lực mà có được. Nhưng, có chắc rằng, bạn kiếm tiền giỏi hơn cô hàng cháo hay không? Bạn có đủ khả năng nuôi nấng mẹ già và con thơ như cô ấy không? Chưa chắc, nếu với mức lương mỗi tháng vài triệu bạc chỉ đủ tiền ăn sáng, xăng xe và mua vài bộ váy áo hàng chợ.
Những người trẻ chúng ta, thay vì dành cả thanh xuân để chạy theo giá trị bề ngoài, khoác lên mình những thứ vật chất xa hoa phù phiếm, thì sống thật và học hỏi chắc chắn sẽ mang lại những một tương lai tươi sáng với những đột phá thực chất hơn. Đó không chỉ là tương lai của cá nhân ai mà của cả đất nước.
Tôi biết không ít người trẻ, đi làm lương tháng chẳng đủ nuôi nổi tấm thân nhưng lại ưa chạy theo mốt đồ công nghệ. Họ thậm chí có thể nhịn ăn, nhịn uống, xin tiền bố mẹ, vay tiền bạn bè chỉ để sắm về cho mình một chiếc điện thoại iphone đời mới nhất. Ngày ngày ăn mặc chỉnh tề, bước xuống phố, rút điện thoại ra lướt lướt, bấm bấm vẻ cao sang những trong túi chẳng có mấy đồng.
Giàu có ư? Hầu như ai cũng muốn. Nhưng, không phải ai cũng biết rằng, muốn giàu có thì trước tiên, bạn phải biết thừa nhận rằng mình đang nghèo. Từ việc thừa nhận mình là người nghèo, bạn cần sống thật với túi tiền của mình, nỗ lực học hỏi, vươn lên và bứt phá. Tin tôi đi, cho đến khi nào bạn còn để thể diện cao hơn ham muốn làm giàu, khi đó, bạn khó lòng mà giàu cho được.


Một người cô ở quê tôi từng tới nhà tôi để nhờ giúp đỡ xin việc làm cho chồng của cô ấy. Chú ấy năm đó đã 45 tuổi nhưng chưa từng có một sự nghiệp ổn định. Ở độ tuổi đó lại không có bằng cấp, kinh nghiệm chuyên môn gì, bố tôi nhờ cậy một mối quan hệ xin cho chú ấy vào làm bảo vệ của một công ty. Biết tin, cô ấy rất vui nhưng rồi sau đó chỉ một buổi chiều liền gọi điện cho tôi nhờ tôi nói lại với bố là chồng cô ấy không muốn đi làm nữa. Hỏi ra mới biết, chú ấy không thích làm bảo vệ vì nghĩ rằng đó là nghề thấp kém, không phù hợp với mình. Sau đó ít lâu, nhờ vay được một khoản vốn kha khá, cô tôi mở một sạp hàng tạp hóa ở chợ. Công việc khởi đầu khá thuận lợi, khách ngày càng đông nhưng lại chỉ có một mình nên không xoay xở kịp, cô ấy nhờ chồng ra bán hàng cùng nhưng chú ấy nhất định không chịu vì cho rằng bán hàng là công việc của đàn bà. Thấy gia cảnh nhà cô chú khó khăn, rất nhiều người đã ra tay tìm việc giúp cho chú ấy nhưng rốt cuộc chú ấy đều không ưng bất kỳ công việc nào. Công việc nào chú cũng cho rằng nó không tương xứng với năng lực của chú ấy.
Thế rồi, chú ấy cứ sống như vậy, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do người vợ một mình bươn trải. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp chú ấy ở quán trà đá gần nhà, miệng phì phèo điếu thuốc, ánh mắt xa xăm. Nhìn thấy tôi, như thường lệ, chú ấy sẽ kéo vào hỏi thăm đủ điều về tình hình công việc. Thấy tôi nói mình làm phóng viên, lương ba cọc ba đồng, chú lại lắc đầu chép miệng thở dài: “Không ăn thua đâu. Lương lậu như thế thì làm sao đủ sống ở Hà Nội”. Tôi cười bảo: “Lương thấp rồi sau này sẽ cao dần. Hơn nữa, hiện tại mục tiêu của cháu là đi làm để lấy kinh nghiệm chứ chưa kỳ vọng vào mức lương. Thấp cũng được, miễn là kiếm ra tiền. Người giàu họ chi tiêu theo kiểu giàu, mình nghèo chi tiêu theo kiểu nghèo. Thiếu thốn một chút nhưng miễn sao không trở thành gánh nặng cho người khác. Cháu nghĩ, làm nghề gì cũng được, miễn là kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của mình. Năng nhặt chặt bị chú ạ”. Chú ấy có vẻ không hài lòng với câu trả lời của tôi vì chú ấy cho rằng muốn làm được việc lớn phải biết nhìn xa trông rộng. Tôi chỉ cười trừ chào chú ấy ra về.
Chú tôi thực ra không phải là trường hợp cá biệt. Những người có tư duy kiểu như vậy tôi đã gặp rất nhiều ngoài đời. Tạm gọi họ là những người chỉ thích làm việc lớn, không thích làm việc nhỏ. Trong đầu họ là vô vàn những hoài bão, lý tưởng lớn lao nhưng không xuất phát từ hiện thực. Họ quên mất rằng, tất cả những việc lớn đều phải xuất phát từ những việc tưởng chừng không mấy quan trọng. Cũng giống như xây nhà phải bắt đầu từ móng vậy. Chúng ta không thể đứng dưới mặt đất mà muốn một bước chân lên tới mây xanh trong khi trong tay chẳng có bất cứ nguồn tài nguyên nào. Để rồi, ngày tháng trôi qua, tuổi già ập đến, nhìn lại quãng thời gian đã uổng phí chỉ toàn thấy những tiếng thở dài, than trách sao số phận quá long đong, ngồi chờ thời cơ mà thời cơ không tới.
Nghĩ lớn, nhìn xa là tốt nhưng trước khi bắt tay vào hiện thực hóa kế hoạch lớn, mục tiêu xa, ta lại phải hoàn thành từng kế hoạch nhỏ, mục tiêu gần. Một tòa nhà cao chọc trời vốn dĩ cũng phải trải qua giai đoạn đặt từng viên gạch nhỏ, một tập đoàn kinh tế lớn có thể cũng từng bắt đầu từ vài ba nhân viên.
Phàm những người đi lên từ hai bàn tay trắng, trải qua những giai đoạn gian khó rồi mới tới những ngày hào quang rực rỡ lại là những người rất giản dị, chân phương, mộc mạc. Ở họ luôn toát lên vẻ khiêm nhường, học hỏi và tôn trọng. Còn những người đề cao thể diện, chỉ chăm chút cho vẻ bề ngoài, thích làm những công việc nhàn nhã, nhẹ nhàng nhưng lại thích sang chảnh, thu nhập cao lại thường có cái tôi khá lớn. Cái tôi khi đó lại trở thành vật cản vô hình ngăn họ bước chân ra thế giới rộng lớn hơn, bó buộc họ trong tầm mắt hạn hẹp, nơi mà họ chỉ nhìn thấy chính mình, đặt mình là trung tâm của vũ trụ.


Nhà bác học lừng danh Albert Einstein đã từng đưa ra một công thức tính cái tôi mà tôi ngẫm thấy nó vô cùng đúng. Đó là: Cái tôi = 1/ kiến thức. Theo đó, cái tôi càng cao thì kiến thức càng thấp, ngược lại kiến thức càng cao thì cái tôi càng thấp.
Cái tôi cao có thể phát triển theo hai hướng. Một là thổi phồng sự tự ti, mặc cảm khiến bản thân luôn sống trong tâm trạng bi quan, lo lắng, hoài nghi. Hai là phóng đại tài năng và giá trị bản thân khiến ai đó luôn cảm thấy tự mãn và kiêu ngạo. Nhưng dù sống trong trạng thái tâm lý nào, tự ti hay kiêu ngạo thì chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của chính mình. Tự ti khiến cho người ta thu mình lại, không giao tiếp với thế giới bên ngoài, tự mãn lại khiến cho người ta chủ động gạt đi những ý kiến đóng góp của người khác, cuối cùng lại vẫn là cô đơn. Đã là tù nhân thì sao có thể cảm nhận được hương vị hạnh phúc trọn vẹn. Dù là tự ti hay tự mãn thì nó cũng khiến ta không thể phát triển lên tầm cao mới. Mãi mãi đứng giậm chân tại vị trí bị cầm tù.
Bởi vậy, để bản thân có thể đi xa hơn, tầm mắt có thể mở rộng hơn, hãy luôn thành thật với chính mình. Thành thật với chính mình là gì? Là sống chân thành và đánh giá đúng thực chất năng lực, giá trị thực có của bản thân. Cởi mở hơn với thế giới xung quanh, đối với mọi người bằng thái độ tôn trọng và học hỏi. Mỗi người mà ta gặp trong đời đều có thể trở thành một người thầy của ta, dù người đó có là một bác nông dân chăn bò, một chị lao công quét rác, một cô bán cháo ở khu chợ cóc… vì họ sẽ dạy ta cách nhìn cuộc sống ở một góc độ khác, cho ta những bài học giá trị, dẫn ta vào một thế giới mà có thể ta chưa từng sống ở đó để ta có thêm những trải nghiệm mới mẻ khiến tầm mắt của ta được mở rộng, cảm nhận được sâu sắc hơn.
Bất kể nghề nghiệp nào trên đời, miễn là không phạm pháp, không trái với đạo đức, không hổ thẹn với lương tâm thì chỉ cần ta làm bằng tất cả sự tận tâm với nghề thì nghề đó chính là nghề cao quý. Mỗi người sinh ra trên đời đều gắn với những thế mạnh riêng, bởi vậy mà con đường mà chúng ta chọn không ai là giống ai hoàn toàn. Làm giáo viên cũng không vinh quang hơn làm lao công, làm bác sĩ cũng chẳng cao quý hơn làm quân nhân, làm nhà nước cũng chẳng danh giá hơn làm nghề tự do. Mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không ai ảnh hưởng tới ai. Nếu có, chúng ta chỉ hơn nhau ở thái độ sống mà thôi.

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO