Khi con trộm tiền, nếu bố mẹ không có cách giải quyết khéo léo dễ dẫn đến việc con tái phạm hay có những phản ứng tiêu cực.
Trang Verywell Family đưa ra năm điều bố mẹ cần làm để giúp trẻ có thể biết sai mà sửa.
1. Tìm hiểu lý do vì sao trẻ trộm tiền
Nói về lý do trẻ trộm tiền, Jerome F. Brodlie, tiến sĩ tâm lý học trẻ em và vị thanh niên tại Đại học Columbia, Mỹ cho biết, hành vi trộm cắp có thể do trẻ bị thiếu thốn về mặt kinh tế. Chẳng hạn khi đến trường, bạn bè xung quanh đều mua đồ ăn vặt trong khi trẻ thì không có tiền mua. Và trẻ lấy trộm tiền của bố mẹ để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu.
Khi trẻ trộm tiền, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên do, nếu như mức trợ cấp hàng tháng quá ít thì có thể tăng thêm cho trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cần giải thích và chỉ rõ cho trẻ biết ngay cả khi cần thì cũng không được lấy tiền của bố mẹ mà chưa được cho phép. Trong khi nói chuyện, bố mẹ cố gắng kìm chế cảm xúc, đừng quát tháo hay đánh con để răn đe.
Nói chuyện nhẹ nhàng, bình tĩnh sẽ giúp trẻ biết ăn năn, hối lỗi và tránh được những phản ứng tiêu cực không mong muốn. Nhiều trường hợp, bố mẹ vì quá nóng giận, khiến trẻ sợ và thường có xu hướng phản ứng lại để bảo vệ bản thân, chối bằng được hành vi sai trái của mình.
Trẻ ăn trộm tiền khi còn nhỏ khiến không ít cha mẹ tức giận và lo lắng. (Ảnh minh họa)
2. Luôn nhấn mạnh lòng trung thực với trẻ
Nếu bố mẹ thường xuyên nói chuyện về lòng trung thực, về lâu dài sẽ giúp ngăn chặn các hành vi nói dối cũng như ăn cắp ở con. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy luôn chỉ cho con thấy những kết quả tốt đẹp khi thành thật và khen ngợi bất cứ khi nào trẻ trung thực nhận lỗi trước những hành động sai trái của bản thân.
Khi trẻ biết sửa sai, bố mẹ không nên nhắc lại quá khứ hay lỗi lầm cũ nữa.
3. Dạy trẻ biết tôn trọng tài sản của người khác
Để trẻ nhỏ hiểu quyền sở hữu tài sản, bố mẹ hãy áp dụng với chính đồ đạc của chúng trước. Ví dụ, mỗi khi muốn mượn đồ đạc của trẻ, bố mẹ sẽ hỏi trẻ trước và chỉ cầm khi được chúng đồng ý. Lâu dần, con bạn sẽ hiểu và biết tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác. Chúng sẽ không động vào đồ đạc, tiền nong của bố mẹ khi chưa được phép.
4. Nếu con lấy trộm tiền của người ngoài
Trường hợp trẻ không trộm tiền của bố mẹ mà trộm của người ngoài thì điều quan trọng nhất bạn phải bắt trả lại tiền ngay lập tức và xin lỗi nạn nhân. Hãy cùng trẻ viết một lá thư xin lỗi, cùng đem trả lại cho người bị mất.
Trong suốt quá trình đó, hãy giải thích hành động đó là sai và động viên trẻ nhận lỗi.
5. Chỉ cho trẻ thấy hậu quả của việc ăn trộm tiền
Bố mẹ hãy chỉ cho con thấy hậu quả của việc ăn trộm sẽ như thế nào để biết sợ mà không dám tái phạm. Ngoài ra, bố mẹ đưa ra một số hình phạt như làm việc nhà để trẻ thấy được sự khó nhọc, vất vả mà biết quý trọng đồng tiền hơn.