Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành: “Nếu con giỏi hơn mình thì càng tốt”

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành: “Nếu con giỏi hơn mình thì càng tốt”

Học kiến thức trên trường lớp chỉ là một phần nhỏ trong công cuộc khổ luyện. Cần phải khổ luyện con trong mọi mặt, đặc biệt về tư duy và khả năng tự học, phải giúp con biết “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Nắm bắt tâm lý con cái để nuôi dạy trưởng thành chuẩn mực vẫn luôn là điều hầu hết các bậc phụ huynh quan tâm. Chuyên gia tâm lý, huấn luyện tinh thần, Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc – Trần Kim Thành là người theo đuổi phương pháp giáo dục “Dạy con tự học” nhiều năm nay. Chị cũng là tác giả của các cuốn sách “Dạy con tự học”, “5 bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo” và mới đây nhất là sổ tay kỹ năng “10 câu hỏi thông thái – Giúp con tự học xuất sắc”. Cuộc trò chuyện giữa PV với Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành tập trung vào phương pháp nắm bắt tâm lý trẻ khi thực hành phương pháp “Dạy con tự học”.

 

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành.

PV: Trong cuốn sổ tay kỹ năng “10 câu hỏi thông thái – Giúp con tự học xuất sắc”, chị có trích dẫn một câu nói của triết gia người Anh - Herbert Spencer: “Trong việc giáo dục, chỉ có qua con đường tự học, loài người mới có thể phát triển mạnh mẽ lên được”. Đó là quan điểm về việc học tập của người phương Tây. Khi đem áp dụng vào con trẻ ở ta ắt sẽ có những rào cản nhất định?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Tôi bắt gặp tư tưởng tự giáo dục này ở cả các triết gia phương Tây và phương Đông, trong các nền giáo dục phương Đông và phương Tây. Đức Phật rất nổi tiếng với câu nói “Tự thắp đuốc lên mà đi!”. Tư tưởng tự học, tự khai sáng và tự đi trên chính đôi chân của mình này được rất nhiều người mến mộ nhưng còn ít được triển khai trong giáo dục tại gai đình và nhà trường. Bởi vì đó là hành trình đòi hỏi nhiều công sức và gian khổ ban đầu. Nhưng phần thưởng thì rất lớn, càng về sau càng thấy giá trị to lớn của nó. Đó là hành trình chủ động học, học sâu, phát triển mạnh mẽ và tiến hóa theo thời gian. Để được như vậy, phải rèn cho con trẻ từ sớm lối tư duy và phương pháp học này. Ngoài dạy con theo phương pháp này, bố mẹ, thầy cô vẫn cần sử dụng đến phương pháp dạy bảo theo lối truyền thụ kiến thức trực tiếp. Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi mà cân đối tỉ lệ giữa hai phương pháp cho phù hợp.

PV: Môi trường giáo dục có phần bị động ở ta theo chị đã hạn chế những khả năng nào của trẻ?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Theo tôi quan sát và nghiên cứu, lối giáo dục bị động đặc biệt làm hạn chế khả năng phân tích, khả năng tư duy, khả năng phản biện, khả năng sáng tạo, khả năng thích nghi, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng tự chủ của trẻ. Chưa hết, nó còn làm cùi mòn tinh thần tự giác, trách nhiệm, lòng ham học hỏi, khám phá ở trẻ.

PV: Theo chị, trẻ sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào khi bắt đầu làm quen với phương pháp tự học, tự trau dồi?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Khó khăn đầu tiên là trẻ phải tập tự đối mặt với những tình huống, yêu cầu trong học tập và cuộc sống; tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm và chủ động tìm giải pháp cho việc học tập và cho mọi việc của bản thân. Đây là một việc khó với cả người lớn. Nhưng càng rèn sớm thì trẻ càng nhanh biết cách và làm được dễ dàng, ít tốn công sức và chi phí hơn. Đơn giản trẻ thấy đó là đang trò chuyện với bố mẹ thôi. Đợi đến lúc lớn mới rèn thì cái giá phải trả để học không hề nhỏ.

PV: Với những trẻ có xu hướng hơi chậm hoặc “cứng đầu”, theo chị cần thêm những kỹ năng nào để giúp con tự học thành công?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Tất cả các trẻ đều cần được rèn các kỹ năng học tập và các kỹ năng sống cần thiết. Tự học là một kỹ năng trong các kỹ năng học tập quan trọng và có thể áp dụng cho tất cả các trẻ không gặp vấn đề về thần kinh. Trẻ nào có nhiều kỹ năng học tập, kỹ năng sống phối hợp thì khi áp dụng phương pháp tự học, hiệu quả càng cao. Với những trẻ có xu hướng hơi chậm hoặc cứng đầu thì người dạy cần thêm lòng sự kiên trì, nhiệt huyết, tin tưởng, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe, khích lệ, truyền thụ, khơi gợi và truyền cảm hứng, kỹ năng giao tiếp tích cực với trẻ tùy theo loại hình trí thông minh, tính cách và tâm sinh lý của trẻ.

PV: Trong quá trình coaching (Dẫn dắt) về tâm lý và tinh thần cho hàng nghìn người, đã bao giờ chị gặp trường hợp thanh thiếu niên nào bị áp lực do bị phụ huynh hối thúc hoặc quá kỳ vọng vào kết quả học tập không? Chị đã dẫn dắt trường hợp đó vượt qua trở ngại tâm lý ấy ra sao?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Tôi từng Coaching (dẫn dắt) cho một số nữ sinh cấp 3 học rất giỏi, cũng gặp vấn đề áp lực và kỳ vọng vào kết quả học tập. Tôi đã sử dụng các câu hỏi để giúp các bạn ấy tự nhận thức vấn đề của mình. Rằng vì sao mà bạn ấy lại bị áp lực và kỳ vọng như vậy. Làm thế nào để không bị áp lực và kì vọng của người khác, của bản thân đè bẹp mình. Làm thế nào để tận hưởng hành trình học tập đầy niềm vui và thành tựu mà không phải áp lực.

Rồi tôi cũng hỏi để các bạn ấy tự nhận biết cái đích tốt đẹp lâu dài mà bạn ấy thật sự hướng tới là gì, bạn ấy cần làm gì để đạt được kết quả đó. Tôi hỏi để các bạn ấy tự vạch ra kế hoạch hành động và các việc bạn ấy làm để đạt kết quả. Tôi cũng hỏi để bạn ấy nhận ra những động lực tự thân của các bạn ấy trong hành trình học tập, chứ không phải vì những tác động bên ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng phải chữa lành tổn thương tâm lý cho các bạn ấy khi phải chịu những trò đùa ác ý của bạn học và thầy cô giáo.

Chuyên gia Trần Kim Thành, Diễn giả Phạm Ngọc Anh và MC Minh Trang trong buổi ra mắt sách “10 câu hỏi thông thái – Giúp con tự học xuất sắc”.

Các bạn ấy thật sự rất thông minh, học rất nhanh và có nhiều thành tích học tập đáng nể. Nhưng kể từ khi gặp tôi coaching lần ấy, các bạn mới thật sự nhận thức ra việc tự học và con đường đi của mình.

PV: Làm giáo dục, đồng thời trực tiếp nuôi dạy 4 con trai, có bao giờ chị gặp phải tình huống khó xử hoặc thất bại khi dạy con tự học?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Thất bại thì không. Vì tôi luôn cho rằng tất cả chỉ là phản hồi để mình học và tìm ra cách thức xử lý hiệu quả hơn thôi. Khi ở nhà tôi hỏi những bạn nhỏ. Có lần thì bạn út không trả lời. Có lần thì bạn ấy trả lời là con không biết hoặc trả lời ngây ngô. Vì bạn ấy còn nhỏ, mới tập nói, nên những lúc như thế, tôi cho con thêm thời gian để suy nghĩ, bảo con nghĩ thêm và hỏi con những câu hỏi gợi ý. Còn bạn thứ hai thường suy nghĩ rất lâu mới trả lời. Bạn ấy hướng nội và suy nghĩ nội tâm nhiều, nên mỗi lần hỏi bạn ấy, bạn ấy thường trầm tư rất lâu, tôi phải rất nhẫn nại để chờ câu trả lời của bạn ấy chứ không thúc giục hoặc trả lời hộ. Có lần thì bạn thứ ba lời tôi “Có vậy mà mẹ cũng phải hỏi à?”.

Tôi buồn cười lắm nhưng cố nín, bảo vì mẹ muốn biết cách của con và nhờ con chỉ cho mẹ biết. Có lần thì bạn ấy không trả lời mà đặt ra những câu hỏi và tình huống khác xa với những gì tôi có thể tưởng tượng. Hỏi lại thì bạn ấy không trả lời. Thường những câu hỏi như thế của bạn ấy tạo một khoảng trống nhận thức rất lớn buộc tôi phải tư duy nhiều ngày để tìm câu trả lời. Có những câu hỏi tối vẫn chưa có câu trả lời và vẫn tiếp tục suy nghĩ. Còn anh lớn vì đã quá quen với việc mẹ đặt câu hỏi, nên khi mẹ hỏi con, con thường hỏi lại mẹ. Thành ra hỏi đi hỏi lại mẹ lại phải trả lời con. Con thành người hỏi cho mẹ học. Trẻ biết cách đặt câu hỏi là dấu hiệu đáng mừng cho thấy trẻ đã cài đặt được tư duy tự học.

PV: Thực tế nhiều gia đình Việt Nam lại yêu cầu các con phải chúi mũi vào học, học thật lực, học thật giỏi, ngoài ra các con không phải làm gì, không biết làm gì. Thiếu khuyết này theo chị ảnh hưởng ra sao khi con ở ngưỡng cửa vào đời?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Đây là một quan niệm giáo dục thiếu khuyết như chị nói. Cách giáo dục này khiến trẻ thiếu khuyết rất nhiều kỹ năng sống, giá trị sống và khả năng học hỏi, thích ứng khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Trẻ không được luyện rèn nên không có khả năng tự chăm lo sinh hoạt cá nhân, không biết quản lý bản thân và không thể tự chịu trách nhiệm cho bản thân, cho những việc xảy ra trong cuộc sống.

Thói quen ỷ lại, trông chờ vào người khác cũng hạn chế khả năng tư duy và hành động của trẻ. Người xưa đã nói “Khổ trước sướng sau, sướng trước khổ sau”. Muốn khi trẻ trưởng thành vào đời và càng lớn càng thành công và hạnh phúc, thì phải cho con khổ luyện từ nhỏ. Học kiến thức trên trường lớp chỉ là một phần nhỏ trong công cuộc khổ luyện ấy. Cần phải khổ luyện con trong mọi mặt, đặc biệt về tư duy và khả năng tự học, phải giúp con biết “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

PV: Theo chị, phụ huynh nên làm sao để không quá phụ thuộc, không bị tụt hậu so với con cái và nhất là tránh tạo ra tâm lý tự mãn ở trẻ?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Để không bị tụt hậu so với con cái thì cách duy nhất là chúng ta cũng phải chủ động tự học kiến thức mới, kỹ năng mới, công cụ mới của thời đại mới. Để biết cách sử dụng vừa phục vụ cho đời sống của chúng ta vừa để đồng hành cùng con. Nếu con giỏi hơn mình thì càng tốt. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Còn để tránh tạo ra tâm lý tự mãn ở trẻ, hãy thường xuyên hỏi con câu hỏi: “Làm thế nào để lần sau đạt kết quả tốt hơn?”, “Làm thế nào để lần sau xử lý bài tập này/việc này nhanh hơn/hiệu quả hơn?”, “Con học được gì từ việc này?”. Đó là những câu hỏi rèn cho con tư duy vượt ngưỡng, luôn khiêm tốn tiếp tục học hỏi và biết học từ mọi việc, từ mọi người, chủ động học hỏi, phát triển mỗi ngày.

PV: Làm giáo dục theo xu thế phương Tây nhưng cũng là một người mẹ. Chị có cho rằng thi thoảng chúng ta cũng nên “vô hình”, hoàn toàn không can dự kể cả việc hướng dẫn con tựhọc, nên có những khoảng thời gian “thả lỏng” con, để con độc lập, tự do, suy nghĩ?

Chuyên gia Trần Kim Thành: Phương pháp dạy con tự học không hoàn toàn là xu thế phương Tây, đó là sự chắt lọc những tinh hoa trong giáo dục của cả phương Đông và phương Tây, cả cổ chí kim) Điều đó là cần thiết để trẻ có thể tự học được nhiều hơn và vui vẻ hơn. Dạy con tự học là dạy mà không cần dạy, để trẻ có thể giáo dục mình và tự học. Phương pháp này là trả lại quyền tự do và chủ động học cho con trẻ. Người dạy bỏ bớt việc chăm chăm giám sát, dạy bảo, hướng dẫn, áp đặt khuôn mẫu, thay vào đó là vai trò khích lệ, định hướng, dẫn dắt, cố vấn và huấn luyện.

Để thành công thì phải cho trẻ các khoảng không gian tự do trong đầu và bên ngoài để suy nghĩ, tư duy và hành động độc lập. Ngay cả việc con học được cách tự học cũng là gián tiếp và tự nhiên nhờ giao tiếp với cha mẹ thông qua các câu hỏi, câu chuyện, tương tác chứ không trực tiếp áp đặt, chỉ dạy.

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO