Bạo lực gia đình trở thành nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những đứa con phải gánh chịu. Với những đứa trẻ, nỗi đau ấy đã ám ảnh và trở thành vết thương lòng trong thời gian dài, thậm chí suốt cuộc đời.
Mùa Giáng sinh lại về, tôi nhớ đến bức thư cách đây vài năm của một học trò tiểu học viết thư gửi ông già Noel mong muốn món quà là không thấy cảnh bạo lực gia đình. Những lá thư liên quan đến bạo lực gia đình khiến chúng tôi giật mình, ngỡ ngàng và lặng người, nghẹn ngào. Buổi họp phụ huynh hôm ấy đong đầy cảm xúc nhất từ những lá thư gửi ông già Noel của những cô cậu học trò bé nhỏ. Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/7, đọc một số thư (vui có, buồn có và không nêu tên học sinh) cho phụ huynh nghe về món quà mơ ước mong được ông già Noel tặng. Có cháu vì thường xuyên nghe cha mẹ cãi nhau nên chỉ ước mơ rằng: “Bố mẹ cháu sẽ không cãi vã nhau nữa”. Cháu không ước món quà gì mang giá trị vật chất mà chỉ cần món quà tinh thần - ước mơ không còn thấy bố mẹ cãi nhau. Thường xuyên thấy cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” của cha mẹ; mệt mỏi, đau buồn... nên được sống trong một gia đình hạnh phúc là ước mơ chính đáng của trẻ. Nghẹn ngào nhất là một cháu có 3 ước mơ. Khi cô giáo đọc ước mơ thứ 3 của cháu, chúng tôi nghẹn ngào, nước mắt như chực trào. Cháu ước mơ không còn tình trạng bạo lực gia đình. Những giây phút lắng lòng trước ước mơ của con trẻ, chúng tôi tự hỏi, phải chăng cháu đang sống trong môi trường gia đình bạo lực? Hay cháu thường thấy bạo lực ở hàng xóm, cũng có thể cháu thấy cảnh bạo lực đâu đó thường diễn ra qua mạng xã hội... nên đã ước mơ như thế? Cô giáo cho hay khi đọc ước mơ ấy, hôm sau cô hỏi cháu có thay đổi ước mơ không, và cô lại tiếp tục hỏi thêm lần nữa thì cháu vẫn không thay đổi. Cô nghẹn ngào, phụ huynh chúng tôi nghẹn ngào. Phải chăng chúng tôi đang có lỗi với con trẻ? Có lỗi trước bạo lực gia đình vẫn là nỗi đau biết bao giờ chấm dứt? Đến bao giờ người lớn chúng ta, nhất là các bậc phụ huynh thực hiện ước mơ này của cháu?
Tôi hy vọng kể từ hôm họp phụ huynh ấy, “người trong cuộc” sẽ thay đổi, và cháu không còn phải viết thư nhờ ông già Noel tặng món quà không thấy cảnh bạo lực gia đình nữa. Bạo lực gia đình, nỗi đau không chỉ ở người lớn. Bạo lực gia đình, nỗi thương lòng dai dẳng trong lòng con trẻ. Có đặt mình vào con trẻ, người lớn mới thấu hiểu được sự tổn thương tinh thần mà các con phải chịu đựng. Và còn biết bao cô bé, cậu bé ước mơ ông già Noel tặng cho món quà “nói không với bạo lực gia đình” mà chưa có dịp nói ra hay không dám nói ra. Và bạo lực gia đình đâu chỉ ảnh hưởng trong gia đình. Chính gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi cọ nhau, bạo lực gia đình... vô tình gieo cho con cái tính cách ấy. Từ đó, con cái sẽ “thực hành” ở trường, ở lớp. Và như thế, bạo lực học đường dễ “thực hành” bắt nguồn từ gia đình. Gia đình là cái nôi rất quan trọng để hình thành nhân cách của con cái. Bởi vậy, sự quan tâm, giáo dục con cái từ các bậc làm cha làm mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy thực sự là tấm gương sáng để các con noi theo.
Lời ngỏ
Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.