Dạy con trưởng thành thời công nghệ 4.0

Dạy con trưởng thành thời công nghệ 4.0

Trẻ càng lớn thì càng có xu hướng độc lập, đặc biệt là khi con bước vào tuổi mới lớn, khi mối quan tâm của con chuyển đối tượng từ bố mẹ sang bạn bè. Khi ấy bố mẹ không còn là trung tâm cuộc sống của con nữa. Làm sao để không bỏ qua giai đoạn vàng để gắn kết niềm tin, tình yêu thương với con?

Trong quyển sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, tác giả Sara Imas chỉ ra kết luận từ một nghiên cứu về sự phát triển của trẻ trong mối quan hệ với cha mẹ. Theo đó, nếu trước khi trẻ 6 tuổi, cha mẹ không dành đủ thời gian cho trẻ thì trong 6 năm tiếp theo, phụ huynh sẽ khó thiết lập được sự tin tưởng cho con, vô tình tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ - con cái và rất khó để níu gần. Đến năm 12 tuổi, nếu trẻ không thể xây dựng được mối quan hệ thân thiết với cha mẹ thì đến quãng thời gian tiếp theo trong cuộc đời, trẻ sẽ cảm thấy mất an toàn đồng thời khó tìm thấy hạnh phúc trong các mối quan hệ khi trưởng thành.

Đồng quan điểm, Robin Sharma - một trong những cây bút lớn và là tác giả của nhiều cuốn sách về vai trò lãnh đạo trong kinh doanh cũng cho rằng tuổi thơ của một đứa trẻ chỉ diễn ra trong một thời kỳ. Khi cánh cửa đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đang quá bận rộn với công việc, cuộc sống mà quên đi người bạn nhỏ quan trọng ngay bên cạnh mình

Hiện nay, trong điều kiện đầy đủ về vật chất, mỗi đứa trẻ được hấp thu dưỡng chất từ nguồn thức ăn, sữa cho đến môi trường giáo dục, công nghệ. Mức độ nhận thức cũng như độ tuổi dậy thì của trẻ đang có dấu hiệu phát triển nhanh hơn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, còn dẫn đến nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội. Nhiều trẻ còn có những suy nghĩ “già dặn” hơn so với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc sớm với công nghệ như tivi, điện thoại thông minh quá nhiều khiến trẻ có thể tự thu mình lại, không có nhu cầu trò chuyện với người xung quanh, không chịu vận động. Từ đó dẫn đến các hệ lụy như chứng tự kỷ, chậm nói, béo phì hoặc tiêm nhiễm hành vi bạo lực… Với trẻ lớn hơn, thông tin trên Internet từ điện thoại hoặc máy tính còn khiến trẻ học theo, ảnh hưởng hoặc bị cuốn vào.

Thực tế, trên rất nhiều diễn đàn về cha mẹ, các ông bố bà mẹ vẫn thường “than vãn” với nhau về việc không đủ thời gian dành cho con. Những tâm sự từ các phụ huynh như “dạo này tôi phải bỏ qua một số sở thích riêng để dành thời gian cho bọn trẻ vì tụi nó lớn nhanh lắm” nghe thật quen thuộc đúng không nào. Quả thật, chẳng cần đến khuyến cáo của chuyên gia, các bậc cha mẹ ngày nay đã nhận ra tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con trong “giai đoạn vàng”.

Khi tình yêu dành cho con đủ lớn, phụ huynh sẽ hiểu rằng con trẻ không chỉ cần được chăm sóc về vật chất, ăn món gì, học trường nào… mà còn cần cha mẹ đồng hành trong mỗi bước đi trên hành trình trưởng thành. Để cùng con lớn khôn, cha mẹ phải lựa chọn, đánh đổi để dành cho con khoảng thời gian chất lượng hơn.

Theo đó, cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong các môn học, tìm hiểu về kiến thức, xu hướng (trend) mới để hiểu hơn về sở thích của con. Trong thời đại công nghệ, việc cho con giải trí bằng tivi hay điện thoại là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cha mẹ quá bận rộn. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy ảnh hưởng không tốt từ nội dung của các chương trình trên Youtube hay mạng xã hội, cha mẹ có thể xem trước các chương trình này để chắc chắn chúng có nội dung phù hợp với độ tuổi của con. Cha mẹ cũng có thể xem cùng con, cùng trao đổi hoặc luận bàn về những nội dung mà trẻ đang xem.

Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên trò chuyện về các vấn đề con đang gặp phải, lắng nghe, chia sẻ và đặt mình vào vị trí của con để hiểu quan điểm của trẻ. Hãy tạo cho trẻ thói quen chủ động trò chuyện, chia sẻ khúc mắc con đang gặp phải, từ những vấn đề hết sức bình thường như món ăn, quần áo, màu sắc hay món đồ con thích được tặng trong sinh nhật… cho đến những vấn đề tương đối thầm kín như việc “crush” một bạn khác giới, thích chơi với một bạn cùng giới hay khác giới tính, những câu chuyện của con mỗi ngày ở trường lớp…để tạo cho con thói quen gần gũi với cha mẹ.

Cha mẹ hãy sắp xếp thời gian có mặt bên con trong các sự kiện đặc biệt như khai giảng, bế giảng, ngày con dự một hội thi ngoại khóa…; có thể tổ chức những buổi xem phim cùng nhau, cùng tập thể dục, đi du lịch, dã ngoại, trải nghiệm để gắn kết hơn với con. Những hoạt động nấu ăn, làm việc nhà, cùng làm bài tập… không chỉ giúp công việc được giải quyết nhanh hơn, mà còn tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ, trở thành kỷ niệm trong ký ức tuổi thơ của con.

Bạn thấy đấy, khi tình yêu đủ lớn, chúng ta sẽ thấy con mình trưởng thành nhanh chóng và sẽ có cách sắp xếp thời gian bên con nhiều hơn.

Với con, cha mẹ là trụ cột chống đỡ mái ấm gia đình, là người bạn đồng hành đáng tin cậy cùng con khám phá hành trình trưởng thành. Ngược lại, khi tình yêu cha mẹ dành cho con đủ lớn, mọi trở ngại trên hành trình cùng con trưởng thành đều trở nên nhỏ bé. Hãy hành động ngay từ hôm nay để con hiểu rằng với cha mẹ con là điều đáng quý nhất nhé.

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO