"Mình không thiết lập trong vốn ngôn ngữ của các con từ "nhường nhịn", hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, 30 tuổi, sống tại Sydney (Úc) và là mẹ của 2 bé trai Subi (5 tuổi) và Subo (1,5 tuổi) bày tỏ quan điểm.
Theo đúng từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê "Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, không tranh chấp hơn thiệt, được thua". Trong đa số cách nhìn của cha mẹ Việt, "nhường nhịn" là từ chỉ tính cách tốt. Với mình đó là một động từ trung tính. Chả xấu, chả tốt. Và mình sẽ không dạy con nhường nhịn.
Phải nhường, phải nhịn ấy là phải chịu thiệt thòi về mình. Thói thường, thiệt thòi nào cũng chỉ có giới hạn của nó. Khi luôn phải nhường nhịn, nghĩa là bọn trẻ luôn phải đặt ham muốn của người khác lên trên của mình. Ấy là đi ngược với tâm lý phát triển bình thường của con người.
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non tại Sydney.
Chịu thiệt thòi lâu dần sẽ nảy sinh ấm ức, rồi đố kị, ghen ghét. Đấy là nguồn cơn của mọi xích mích tình cảm. Càng là anh chị em trong gia đình, càng không nên bị chịu thiệt, càng không được phép để đố kị len lỏi. Không ai khác, bố mẹ rất dễ là người tạo khoảng cách giữa những đứa con nếu không công bằng và luôn bắt chúng phải nhường nhịn.
Chúng ta quá quen với việc trong gia đình đứa lớn luôn phải nhường đứa bé. Dù đứa nhỏ làm gì, anh chị cả luôn là người phải chịu tội. Đơn giản vì chúng lớn. Vậy là, sinh ra trước là một cái tội, đẻ sau vài năm là một đặc ân ư? Đừng chia rẽ tình cảm bọn trẻ bằng những cái cớ vô lý như thế.
Mình không dạy BiBo nhường nhịn. Mình dạy BiBo về sự chia sẻ. Subo có cái bánh, mình nói với con "Chúng mình chia sẻ với Subi chứ Bo nhỉ?". Subi nhận được ô tô phần thưởng ở lớp "Bi chơi xong một lượt, chia sẻ cho Subo chơi với con nhờ?".
Subi đang chơi, Subo lao ra giật, sẽ bị mẹ xử lý. Mẹ nghiêm mặt, nói giọng nghiêm túc với Subo "Subi đang chơi, nếu Bo muốn, Bo phải ạ Bi để xin được chơi. Nếu Bi đồng ý, Bi sẽ cho con mượn luôn. Nếu không Bo chờ, Bi hết lượt, rồi đến lượt Bo. Vừa rồi con giật của Bi thế là chưa được rồi, Bo ra ôm Bi, xin lỗi Bi nhé". Subi cũng vậy, sẽ phải hỏi ý kiến Subo "Bo ơi, Bi mượn cái bảng này của Bo tí được không?".
Mình cứ vừa khơi lên về chia sẻ, vừa tôn trọng hỏi ý kiến các con, vừa thêm "nhỉ", "nhờ" để hướng các con về cách giải quyết mong muốn định hướng. Các con thấy mẹ đang hỏi ý kiến mình, đang tôn trọng mình và mình thật là hào phóng nếu biết chia sẻ. Đứa cho mượn thấy thoải mái, đứa được mượn thấy biết ơn. Một mũi tên, mình trúng vài cái đích. Chẳng đứa nào ấm ức, chẳng đứa nào thiệt thòi.
Hôm rồi, Subo đẩy em chó Susu đưa Subi đi học. Có một bạn chạc tuổi Subo nhìn thấy xe đẩy của Subo thích lắm, lân la ra sờ. Mẹ hỏi Bo: "Bo ơi, con có muốn chia sẻ cho bạn mượn xe một tí không". "Dạ!" – Subo hớn hở vừa nói to vừa cười, tay chuyển xe cho bạn. Là mình hỏi ý kiến con nhé, mình không bắt con "Bo ơi, mình chia sẻ với bạn đi. Phải biết chia sẻ con ạ".
Không áp đặt ý của mình lên con, mà vẫn hướng con được đến với điều mình muốn, vẫn dạy con được về cách cư xử và cùng chung sống. Bọn trẻ vui vì việc tốt mình làm được. Bởi bọn trẻ tự nguyện và chúng cảm nhận được nét đẹp tự nhiên của việc chúng đang làm.
Subi từ ngày có em chưa bao giờ bị nghe câu "Con phải nhường em chứ", "Con lớn hơn, sao con để em làm như vậy". Subo cũng chưa khi nào được nhận ân điển "À, Bo thích cái này à, Bi không nhường con à, để mẹ bảo Bi nhé, Bi hư nhờ". Nhà chả có tiếng tranh giành hơn thiệt, cũng chả có nước mắt của sự ấm ức. Nhẹ nhàng gì đâu.