Nên hay không để trẻ làm việc nhà

Nên hay không để trẻ làm việc nhà

Cháu gái mình năm nay học lớp 6. Nó vốn là một đứa trẻ rất thông minh, lanh lợi, luôn thích tìm tòi khám phá và đặc biệt rất thích học nấu ăn. Hôm qua, nó có sang nhà mình chơi với tâm trạng rất buồn rầu.
Hỏi ra mới biết, nó bị mẹ mắng vì tội đổ nồi canh xương ninh khoai tây từ nồi ra bát bị vương vãi khắp bàn. Mẹ nó bảo nó đoảng vị không biết làm một cái gì ra hồn, làm gì cũng lóng nga lóng ngóng. Trong lúc ấm ức, nó buột miệng cãi mẹ một câu mà bị mẹ tát cho một cái nổ đom đóm mắt. Mình hỏi, nó đã nói gì. Nó bảo “con chỉ bảo là: “Mẹ có bao giờ cho con làm đâu mà con chả lóng ngóng. Lần nào con động vào mẹ cũng toàn đuổi con ra thôi còn gì”. Thế mà mẹ con bảo là con láo, dám cãi mẹ”.


Đã phải mất rất lâu để mình giảng giải cho con bé hiểu tại sao mẹ con bé lại có suy nghĩ như vậy. Mẹ con bé không không phải là không tốt mà chỉ bởi vì, cái tính hay lam hay làm chịu thương chịu khó đã ngấm vào máu thịt. Những người cần cù chăm chỉ thường không bao giờ ngại phải lao động nên thường làm hết phần việc hộ người khác. Dần thành quen, họ trở nên rất cầu toàn với sản phẩm cuối cùng được hoàn thiện, chỉ cần có ai đó động vào và làm hỏng nó, họ sẽ rất khó chịu và bực bội.
Một phần khác, họ nhận thấy rằng, việc mình tự làm sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn là kiên nhẫn dạy một đứa trẻ một phần việc mà mất tới cả tiếng đồng hồ, trong khi nếu họ tự làm sẽ chỉ mất vỏn vẹn 15 phút. Thêm nữa, trong suy nghĩ của những người từ bé đã phải lao động vất vả thường muốn để con mình được vui chơi suốt tuổi ấu thơ, không muốn con phải lao động vội. “Còn tại sao mẹ cháu lại trở thành một người cần cù, chăm chỉ từ bé? Cũng bởi vì hoàn cảnh mà ra thôi cháu ạ. Thuở bé, mẹ cháu rất khổ. Thay vì trách mẹ, cháu nên thương mẹ thì hơn”.
Con bé tỏ ra hiểu vấn đề rất nhanh. Tôi vui vì điều đó. Nhưng trên thực tế, tôi rất buồn. Câu chuyện của con bé cũng là một vấn đề nhức nhối mà tôi đã đau đáu từ lâu.
Vậy, theo các bạn, có nên tạo điều kiện cho trẻ được lao động từ sớm?
Tôi cho rằng, rất nên nếu bạn muốn giáo dục con trở thành những con người tự lập, tự chủ.
Trẻ nhỏ bao giờ cũng có giai đoạn rất “ham làm việc”. Thấy bố mẹ làm bất cứ việc gì, chúng cũng lao vào đòi làm cùng, từ vo gạo, nhặt rau, rửa bát, quét nhà đến nấu nướng. Đó chính là giai đoạn vàng để bạn dạy con tập lao động mà không phải thúc giục hay gò ép. Để lỡ mất giai đoạn đó, sau này, rất khó tạo cho con bạn một thói quen chăm lao động. Đó là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với chúng. Bởi, những kẻ lười lao động, thường khó có thể tự phục vụ cuộc sống của mình ngay cả khi đã lớn. Họ dễ ngại khó và không kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chưa kể đến, những người lười lao động làm việc gì cũng lóng ngóng và cẩu thả trong khi những người chăm lao động lại thường rất khéo léo và cẩn thận.
Một đứa trẻ được bố mẹ tạo điều kiện cho làm việc nhà từ bé sẽ có khả năng sắp xếp công việc rất khoa học, chúng sẽ tự biết việc gì cần làm trước, việc gì cần làm sau, việc gì có thứ tự ưu tiên đặc biệt. Ví dụ, bé sẽ tự mình phải cân đối thời gian làm việc nhà, tắm táp, ăn uống, xem ti vi, tập thể dục và học bài sao cho phù hợp. Từ việc được rèn luyện và thích nghi ngay từ lúc nhỏ, bộ não của chúng khi trưởng thành có thể làm được nhiều việc một lúc mà vẫn đâu vào đấy, không hề bị lúng túng hay rối ren. Tất cả là do rèn luyện mà thành. “Cần cù bù thông minh”, “năng nhặt chặt bị” vốn là những câu thành ngữ đề cao tinh thần chăm chỉ cần cù của con người và tôi cho rằng, nó đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại.
Tôi đã từng bày tỏ quan điểm này trong một nhóm kín về chăm sóc nuôi dạy con cái và nhận được khá nhiều phản hồi cho rằng “khi nào lớn, khắc biết làm. Làm nhiều thì khổ, việc gì cũng đến tay chứ sướng gì đâu”!
Theo góc nhìn cá nhân, tôi thấy, đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Ai cũng vậy và việc gì cũng vậy, nếu không làm đi làm lại nhiều lần, ắt không thể làm tốt ngay từ đầu. Và việc tập lao động, trước hết là để phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân đứa trẻ, chưa làm đã sợ con bị thiệt là một tâm lý rất nguy hiểm mà các bà mẹ nên lập tức loại nó ra khỏi đầu. Đừng bao giờ nói với con cái những câu chữ như vậy nếu không muốn nuôi dưỡng nên một đứa trẻ ích kỷ chỉ làm việc khi có lợi cho mình. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên KHÔNG BAO GIỜ có thể trở thành một nhân vật xuất chúng.
Bởi, bạn biết đấy, hầu hết các tỷ phú trên thế giới khi được phỏng vấn đều trả lời rằng, những gì họ đang làm không bao giờ chỉ đơn giản là để phục vụ bản thân họ. Cái họ muốn hướng đến là những giá trị tốt đẹp mang tới cho cộng đồng.
Tỷ phú người Việt đầu tiên lọt top 500 người giàu nhất thể giới với số tài sản khổng lồ sắp chạm ngưỡng 5 tỷ USD Phạm Nhật Vượng khi được hỏi “Điều mà ông quan tâm nhất là gì?” cũng đã trả lời rằng “Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình”. Dù con bạn có không thể trở thành tỷ phú như ông Vượng thì xã hội này cũng sẽ tốt đẹp vô cùng nếu ai ai cũng mang lối tư duy như thế. Muốn đạt được lợi ích cá nhân, trước tiên hãy hết mình vì tập thể. Nói đúng hơn, lợi ích của cá nhân và tập thể luôn hài hòa với nhau. Con bạn sẽ nhận ra điều đó khi nó trưởng thành, chỉ là, nếu bạn có thể dạy nó nhận thức được điều đó sớm hơn, đó là một cái lợi cho bản thân đứa trẻ. Vậy trước tiên, hãy để nó biết chia sẻ công việc gia đình với bố mẹ, hết mình vì gia đình tức là đã hết mình vì tập thể rồi.
Suri nhà tôi cũng giống như bao em bé khác, con bé đã bắt đầu có hứng thú với cái chổi từ khi mới 15 tháng tuổi, thích được rửa bát và giặt quần áo cùng mẹ từ khi 24 tháng. 15 tháng tuổi, người bé như cái kẹo đã bắt con cầm cái chổi cao quá đầu quét nhà liệu có quá đáng không? Tôi không nghĩ như vậy, chỉ cần, việc con bé đang làm khiến con bé vui, hứng thú và có lợi cho con bé sau này, đó tức là việc cần thiết. Tôi không bắt con bé làm mà chính là con bé đang ĐƯỢC làm đấy chứ! Vì thế, đừng để lỡ mất giai đoạn vàng này để các bé làm quen với lao động một cách hứng thú và say sưa nhất nha các bố mẹ. Hãy tạo điều kiện cho con được thỏa sức học hỏi và rèn luyện, dù bố mẹ có mệt một chút nhưng là tốt cho con, cũng đáng, đúng không?

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO