Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng

Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng

Buồng trứng bình thường kích thước rất nhỏ và nằm sâu trong ổ bụng, nên khi có bất thường như ung thư buồng trứng thường rất khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng mơ hồ, khó có thể cảm nhận được bất kỳ sự phát triển nào . Vì vậy bất cứ ai có triệu chứng ở bụng không giải thích được kéo dài hơn 2 tuần nên đi khám bác sĩ. Theo các nghiên cứu chỉ có khoảng 19% bệnh nhân ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, chủ yếu nhờ khám sức khỏe tình cờ hay khám sàng lọc.

Những dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng là gì?

Đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề tiêu hóa là đặc trưng cho ung thư buồng trứng.

Ung thư buồng trứng không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào trong giai đoạn đầu.

Các triệu chứng điển hình liên quan đến ung thư buồng trứng thường có xu hướng phát triển trong giai đoạn sau, khi khối u tăng trưởng gây chèn ép lên bàng quang, tử cung và trực tràng.

Tuy nhiên, những triệu chứng dưới đây của ung thư buồng trứng có thể phát triển ở bất kỳ giai đoạn nào, bao gồm:

  • Đầy hơi
  • Đau vùng chậu hoặc đau bụng hoặc chuột rút
  • Cảm thấy no nhanh sau khi bắt đầu ăn hoặc mất cảm giác thèm ăn
  • Khó tiêu hoặc khó chịu ở dạ dày
  • Buồn nôn
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc gấp hơn bình thường
  • Áp lực ở lưng dưới hoặc xương chậu
  • Kiệt sức không giải thích được
  • Đau lưng
  • Táo bón
  • Tăng vòng bụng hoặc sưng bụng
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Thay đổi kinh nguyệt
  • Giảm cân

Những triệu chứng này cũng có thể là do các bệnh khác, thường sẽ đáp ứng với điều trị cơ bản hoặc tự khỏi.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này phát triển đột ngột và kéo dài, hoặc tiếp tục nhiều hơn hoặc ít hơn mỗi ngày dù có điều trị cơ bản, hãy gặp bác sĩ để chẩn đoán vì đó có thể là triệu chứng của ung thư buồng trứng.

Ung thư buồng trứng gây đầy hơi

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu một người nghi ngờ mình bị ung thư buồng trứng, thì nên đi khám bác sĩ ngay.

Bởi rất khó chẩn đoán ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu, nên cách tốt nhất để giảm cơ hội phát triển ung thư buồng trứng là sử dụng phương pháp tích cực, chủ động đối với bệnh này.

Để đảm bảo kết quả tốt nhất, một người nên nói chuyện với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ phụ khoa về bất kỳ triệu chứng tiềm ẩn nào càng sớm càng tốt.

Các dấu hiệu bao gồm bất kỳ triệu chứng không giải thích được của ung thư buồng trứng, hoặc bất kỳ triệu chứng bụng hoặc vùng chậu mới mà:

  • Không liên quan đến các chẩn đoán khác
  • Không đáp ứng với điều trị cơ bản, ví dụ, đau lưng không hết khi nghỉ ngơi, hoặc chứng khó tiêu không cải thiện khi thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục
  • Kéo dài hơn 2 tuần
  • Xảy ra hơn 12 ngày một tháng

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ khiến một số người dễ mắc ung thư buồng trứng hơn những người khác bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng hoặc tử cung
  •  đột biến gen BRCA1 và BRAC2
  • Mắc hội chứng Lynch
  • Không bao giờ mang thai
  • Béo phì
  • Một số loại thuốc kích thích rụng trứng và hormone nữ
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Tuổi tác, hầu hết các trường hợp phát triển sau mãn kinh

Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư bộ phận sinh dục hoặc ung thư đường tiêu hóa nên nói chuyện với bác sĩ để kiểm tra xem có mang gen đột biến làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng hay không.

Các yếu tố có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng bao gồm:

  • Có thai
  • Cho con bú
  • Sử dụng thuốc tránh thai trong ít nhất 5 năm
  • Phẫu thuật hệ thống sinh sản, chẳng hạn như cắt tử cung, cắt bỏ buồng trứng hoặc thắt ống dẫn trứng

Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Bác sĩ chỉ định các xét nghiệm phù hợp khi thăm khám

Chụp CT giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng.

Có một số triệu chứng liên quan đến ung thư buồng trứng nhưng không có nghĩa là một người mắc bệnh. Ung thư buồng trứng không thể tự chẩn đoán tại nhà.

Chẩn đoán đòi hỏi các xét nghiệm với sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa.

Để chẩn đoán ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng bao gồm:

  • Thời điểm bắt đầu
  • Đáp ứng với điều trị cơ bản như thế nào
  • Đã có triệu chứng bao lâu
  • Tần suất xảy ra

Bác sĩ sẽ xem qua tiền sử bệnh lý và ung thư của bản thân bệnh nhân và gia đình, đặc biệt là tiền sử ung thư buồng trứng và vú. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra vùng chậu để xem buồng trứng có bị viêm, hoặc nếu có chất lỏng trong bụng.

Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm bổ sung nếu:

  • Có sự bất thường trong khi kiểm tra vùng chậu
  • Triệu chứng cho thấy có thể bị ung thư buồng trứng
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng

Các xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng thường xuyên nhất để phát hiện ung thư buồng trứng ban đầu bao gồm:

  • Siêu âm đầu dò âm đạo (TVUS)

Trong xét nghiệm này, một bác sĩ chèn đầu dò siêu âm vào âm đạo. Đầu dò phát ra sóng siêu âm dội lại, tạo ra hình ảnh của tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Kỹ thuật này giúp xác định sự tăng trưởng là u đặc hay u nang ( là những túi không chứa chất gây ung thư mà chứa đầy chất lỏng).

  • Xét nghiệm máu CA-125

CA-125 để đo lượng protein CA-125 có trong máu. Nhiều người bị ung thư buồng trứng có nồng độ CA-125 cao trong máu.

Tuy nhiên, những người mắc các bệnh khác ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh viêm vùng chậu (PID) và lạc nội mạc tử cung, cũng thường có hàm lượng protein này trong máu cao.

Không phải mọi phụ nữ bị ung thư buồng trứng đều có nồng độ CA-125 trong máu tăng cao. Theo các nghiên cứu chỉ có khoảng 80% những người mắc ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển có mức CA-125 tăng cao, trong khi chỉ có 50% có mức CA 125 cao trong giai đoạn đầu của bệnh.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Sinh thiết

Sinh thiết là đưa một cây kim nhỏ vào cơ thể và rút một phần nhỏ của khối u, rồi gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Kết quả sinh thiết là một yếu tố thiết yếu trong chẩn đoán cuối cùng về ung thư buồng trứng.

  • Phương pháp sàng lọc và phòng ngừa

Hiện tại không có phương pháp sàng lọc nào để phát hiện ung thư buồng trứng ở những người không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc những người không có nguy cơ cao hơn bình thường. Cách tốt nhất cần đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, nhất là những người có yếu tố nguy cơ.

Bài viết được viết bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO