Loét dạ dày-tá tràng (LDD-TT) là một bệnh khá phổ biến ở người lớn, chiếm khoảng 5-10% dân số ở Việt nam. Tại Hoa Kỳ bệnh chiếm 10% dân số và chi phí hàng năm cho điều trị khoảng 4 tỉ đô-la Mỹ. Ở trẻ em, bệnh chưa được quan tâm nhiều, có quan niệm cho rằng đó là bệnh chỉ gặp ở người lớn, trẻ em không mắc bệnh này.
Từ đầu thập niên 70, lần đầu tiên người ta dùng ống soi mềm phế quản để soi dạ dày cho trẻ em và sau đó được sử dụng khá rộng rãi thì LDD-TT ở trẻ em không phải hiếm gặp nữa. Bệnh thường biểu hiện đau bụng, xuất huyết tiêu hóa và thiếu máu ở trẻ em. Đặc điểm của bệnh là diễn biến kéo dài, có xu hướng mạn tính và hay tái phát.
Bệnh có thể biểu hiện bằng tình trạng xuất huyết tiêu hoá cấp tính như nôn ra máu hoặc ỉa phân đen kèm theo đau bụng và tình trạng thiếu máu cấp tính. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do tình trạng thiếu máu. Nhưng cũng có thể diễn biến từ từ trong thể loét tiên phát thường gặp ở trẻ lớn, đặc biệt là trẻ > 6 tuổi, biểu hiện lâm sàng chính gần giống người lớn nhưng ít điển hình hơn.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có các biến chứng như thiếu máu mạn tính, ảnh hưởng phát triển thể chất của trẻ, hẹp môn vị thậm chớ ung thư do có liên quan đến nhiễm H.P ( Dù rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ).
Bệnh nhân 13 T loét cấp tính Hành tá tràng đang gây chảy máu
Đau bụng là một trong các triệu chứng viêm loét dạ dày ở trẻ em
Helicobacter Pylori (HP) lần đầu tiên được 2 bác sĩ người Uc là R. Warren và B. Marshall phát hiện năm 1982. Sau nhiều lần thất bại họ đã nuôi cấy thành công một loại vi khuẩn từ mẫu sinh thiết dạ dày và đặt tên giống Campylobacter. Từ năm 1989 vi khuẩn này chính thức được goi là H. Pylori. Đó là một loại xoắn khuẩn Gr (-), kích thước 0,3- 0,5 μm, có 4-6 roi ở một đầu, sống trong lớp nhày bao phủ niêm mạc dạ dày Trong các nghiên cứu gần đây, ngày càng thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tỉ lệ mắc bệnh, tần xuất tái phát viêm loét dạ dày-tá tràng với tình trạng nhiễm HP.
Đường nhiễm HP chủ yếu qua 2 đường là đường phân-miệng và miệng- miệng. Ngoài ra còn đường chất nôn, đường dạ dày. Tỉ lệ nhiễm liên quan đến vệ sinh môi trường và ăn uống.
Tỉ lệ nhiễm HP khá cao ở người viêm loét dạ dày tá tràng, ngày càng có nhiều nghiên cứu thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tỉ lệ nhiễm HP và bệnh lý loét dạ dày-tá tràng . Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú ở lớp nhày bao phủ bề mặt dạ dày, nhờ có các yếu tố bám dính vi khuẩn bám vào lớp biểu mô niêm mạc dạ dày và tiết ra các men, độc tố gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Để phát hiện ra vi khuẩn HP, có một số phương pháp nhưnhuộm soi trực tiếp, làm mô bệnh học, làm test nhanh (Urease test) và nuôi cấy, trong đó nuôi cấy là tiêu chuẩn vàng xác định nhiễm HP và qua đó làm kháng sinh đồ giúp cho thầy thuốc chọn lựa kháng sinh phù hợp nhất để tiệt trừ HP. Hiện nay đã áp dụng những biện pháp chẩn đoán không xâm lấn, bớt gây phiền toái cho bệnh nhân cũng có độ chính xác cao và dễ thực hiện.
Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng
Loại trừ vi khuẩn HP là khâu quan trọng trong điều trị loét dạ dày-tá tràng, giúp làm nhanh liền tổn thương và đặc biệt có tác dụng ngăn ngừa bệnh tái phát có hiệu quả. Thường phối hợp 3 loại thuốc để tiệt trừ H.P
Với nhiều loại thuốc mới hiện nay trên thị trường việc điều trị loét dạ dày-tá tràng ở trẻ em đem lại nhiều kết quả tốt tránh được những tai biến liên quan đến ngoại khoa như thủng hoặc hẹp mụn vị.
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Trần Văn Quang - Khoa nội Nhi Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec TImes City
Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.