Ung thư đại–trực tràng là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 1,23 triệu bệnh nhân ung thư đại–trực tràng được phát hiện và khoảng 600.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư đại–trực tràng.
Cơ thể con người là một khối thống nhất, mọi bộ phận đều có chức năng–không có bộ phận nào được coi là thừa, ngay cả ruột thừa cũng không phải là thừa. Chúng ta chỉ thực sự khỏe mạnh khi mọi cơ quan-bộ phận trong cơ thể khỏe mạnh.
Chúng ta biết rằng, ăn uống là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, muốn có được những bữa ăn cảm thấy ngon miệng thì đòi hỏi phải có một cơ thể khỏe mạnh kết hợp với tinh thần sảng khoái. Hệ tiêu hóa giữ vai trò chủ đạo hấp thụ các chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể, bất kể một rối loạn nào trong hệ tiêu hóa đều dẫn đến thay đổi quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, tùy theo vị trí và mức độ mà có ảnh hưởng nhiều hay ít.
Các rối loạn về tiêu hóa rất thường gặp, đây là một trong những nhóm bệnh lý có tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên rất nhiều người trong chúng ta lại chủ quan đối với các rối loạn tiêu hóa thông thường, sự chủ quan đó nhiều khi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề không đáng có nếu chúng ta quan tâm và đi khám bệnh sớm.
Các rối loạn về tiêu hóa rất thường gặp, đây là một trong những nhóm bệnh lý có tỷ lệ cao nhất
Đại–trực tràng thuộc về phần thấp của ống tiêu hóa (tư thế đứng), thuật ngữ chuyên môn hay gọi là đường tiêu hóa dưới. Trong cơ thể chúng ta đi từ trên xuống dưới, ống tiêu hóa được chia ra làm các phần cơ bản sau: thực quản–dạ dày–ruột non–đại tràng–trực tràng và ống hậu môn. Đại tràng bao gồm manh tràng–đại tràng lên–đại tràng ngang–đại tràng xuống và đại tràng xích ma (đại tràng sigma-Σ), phần đại tràng tiếp giáp với gan: đại tràng góc gan và phần đại tràng tiếp giáp với lách: đại tràng góc lách
Tính theo tỷ lệ chung trên toàn thế giới, ở nam giới ung thư đại–trực tràng có mức độ phổ biến sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến, ở nữ giới có mức độ phổ biến chỉ sau ung thư vú. Tại nhiều nước đang phát triển, bệnh có xu hướng tăng dần theo chất lượng của mức sống và thay đổi thói quen ăn uống truyền thống. Nhật Bản là một ví dụ điển hình về sự thay đổi này, sau đại chiến thế giới lần thứ II, song song với thành công phát triển về kinh tế là việc sử dụng đồ ăn nhanh và món ăn theo kiểu của các nước Âu-Mỹ nhiều hơn, đã làm gia tăng tỷ lệ ung thư đại–trực tràng tại đảo quốc mặt trời mọc.
Tại Việt Nam ung thư đại–trực tràng cũng đứng trong hàng ngũ năm bệnh lý ung thư phổ biến nhất, ở nam giới ung thư đại–trực tràng đứng hàng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư dạ dày, ở nữ giới ung thư đại–trực tràng cũng đứng hàng thứ ba sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Xuất phát từ sự phổ biến và tỷ lệ tử vong của ung thư đại–trực tràng, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu – bắc Mỹ và một số quốc gia phát triển đã đưa tầm soát ung thư đại–trực tràng vào chương trình theo dõi thường qui của hệ thống Y tế. Ung thư đại–trực tràng nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả rất tốt, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh rất cao: trên 90%, trong đó có rất nhiều người có thời gian sống kéo dài thêm trên 10 năm. Trong khi đó nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn, đã có di căn, thì tỷ lệ sống trên 5 năm giảm xuống chỉ còn 10%. Do vậy vấn đề tầm soát, chẩn đoán sớm ung thư đại–trực tràng rất có ý nghĩa cho bản thân người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.
Tầm soát, chẩn đoán sớm ung thư đại–trực tràng rất có ý nghĩa cho bản thân người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội
Việc tầm soát, chẩn đoán ung thư đại–trực tràng ở giai đoạn rất sớm và sớm được triển khai dựa trên các xét nghiệm. Các xét nghiệm này được chia làm hai nhóm chính: (1) xét nghiệm phân, (2) các xét nghiệm về hình thái–cấu trúc (structural examinations).
(1) Xét nghiệm phân bao gồm:
• Xét nghiệm tìm hồng cầu, máu trong phân
• Xét nghiệm ở mức độ phân tử (phân tích DNA).
(2) Các xét nghiệm về hình thái–cấu trúc được chia làm hai nhóm kỹ thuật chính là:
a) nhóm kỹ thuật nội soi:
• Nội soi ống mềm
• Nội soi không dây (nội soi viên nang – capsule endoscopy)
b) nhóm kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:
• Chụp X. quang với thuốc cản quang (kỹ thuật chụp đối quang kép - double contrast barium enema)
• Chụp cắt lớp vi tính (kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính đại tràng - CT colonography)
• Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hạt nhân đại tràng -MR colonogrpahy)
Chụp cộng hưởng từ hạt nhân
Với sự phát triển hiện nay của khoa học kỹ thuật nói chung và y học nói riêng, các kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn để tầm soát, chẩn đoán ung thư đại–trực tràng ở giai đoạn sớm sẽ ngày càng hoàn thiện, đồng thời sẽ có thêm các kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng trong tương lai, cũng như một số kỹ thuật trước đây hay sử dụng sẽ ít được áp dụng hơn.
Tuy nhiên có một điều bạn nên biết, với các kỹ thuật xét nghiệm hiện nay, nếu chỉ áp dụng một kỹ thuật đơn lẻ thì dù hoàn thiện đến mấy và người làm có trình độ hoàn hảo đến đâu thì vẫn có thể bỏ sót chẩn đoán ung thư đại–trực tràng ở một tỷ lệ nhất định, đặc biệt là ung thư ở giai đoạn sớm. Do vậy, bạn không nên quá ngạc nhiên đôi khi người thầy thuốc khuyến cáo bạn nên kết hợp làm một vài phương pháp. Và bạn cũng không nên vội vàng qui kết cho bác sĩ là có trình độ không tốt, vì một số ít các trường hợp dù đã kết hợp nhiều phương pháp với các chuyên gia hàng đầu phân tích kết quả, nhưng vẫn rất khó xác định được chính xác.
Tại sao vậy, vì mỗi một loại xét nghiệm đều có ưu điểm, nhược điểm và hạn chế riêng. Có xét nghiệm chỉ giúp sàng lọc cho biết bệnh nhân có thuộc đối tượng nguy cơ cao hay không, có xét nghiệm vừa sàng lọc vừa chẩn đoán, có xét nghiệm (kỹ thuật) vừa có khả năng sàng lọc–chẩn đoán và vừa triển khai được can thiệp điều trị. Tương tự như vậy, có xét nghiệm rẻ tiền và dễ triển khai trong cộng đồng, có xét nghiệm đắt tiền và khó triển khai trong cộng đồng. Do vậy hiện nay, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mà mỗi một nước lại có một chiến lược khác nhau. Hoa Kỳ một nền kinh tế mạnh có nền Y học ở trình độ hàng đầu thế giới, nhưng các nhà chuyên môn cũng chưa đạt được sự thống nhất hoàn toàn trong hướng dẫn thực hành tầm soát ung thư đại–trực tràng.
Tuy nhiên tựu chung lại, dù đứng trên góc độ quan điểm nào, các thầy thuốc chuyên khoa đều khuyên tại các khu vực có tỷ lệ ung thư đại–trực tràng cao, trong đó có Việt Nam, người trên 50 tuổi nên đi kiểm tra sàng lọc và tầm soát ung thư đại–trực tràng 1năm/1 lần. Còn cụ thể sử dụng phương pháp nào thì bạn cần phải đi khám và tư vấn, trên cơ sở các thông tin và điều kiện cụ thể mà người thầy thuốc chuyên khoa sẽ đưa ra tư vấn cho bạn. Đối với những người dưới 50 tuổi thì tùy theo từng trường hợp hợp, người thầy thuốc chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên có làm tầm soát ung thư đại–trực tràng hay không.
Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Xuân Trường - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.