Cành táo phần bố

Cành táo phần bố

Khu vườn nhà tôi những năm 1997-1998 có trồng rất nhiều loại cây trái. Trong số đó có hai cây táo ta mà tôi rất thích ăn vì vị của nó rất lạ, không chua mà cũng không ngọt, tôi cũng không biết tả nó thế nào cho đúng. Những ngày tháng sau khi bố tôi đi làm xa, mẹ con tôi chuyển từ căn nhà mặt đường nhựa về căn nhà cũ có khu vườn đó – khu vườn tuổi thơ của tôi. Nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, làm bạn với tôi và lấp đầy chiếc bụng đói mỗi khi mẹ vắng nhà.

Một buổi sáng cuối tuần khi vừa thức dậy, tôi chạy ùa ra cây táo cạnh bờ giếng, bắc ghế định trèo lên vặt quả thì tiếng mẹ từ trong bếp vọng ra:
-Đừng, đừng vặt táo ở cành đó!
Tôi giật mình, dừng tay, quay lại nhìn mẹ tìm một lời giải thích. Mẹ tiếp lời:
-Cành đó sai quả nhất, đẹp nhất, để phần bố đi con.
Tôi sững người, đứng hình vài giây, ngước nhìn lại cành táo. Quả đúng là cành táo này sai quả nhất, quả cũng đều đẹp nhất, ngon nhất. Vậy mà tôi không nghĩ ra là cần phải để dành cho bố. Tết bố về, biết là tôi vẫn để phần bố cành táo ngon nhất chắc là bố sẽ rất vui. Tôi hí hửng bắc ghế ra chỗ khác, tranh thủ hỏi thăm mẹ tình hình về bố.
-Sắp đến Tết rồi à mẹ?
Mẹ bê rổ rau ra bờ giếng, đặt nó xuống chậu nước gần đó, vừa lấy gàu múc nước vừa đáp lại tôi:
-Ừ, sắp Tết rồi. 3 tuần nữa thôi.
Chỉ nghe có vậy mà tâm trạng của tôi bỗng háo hức hẳn lên.
-3 tuần nữa bố về à mẹ? Tết năm ngoái bố không về.
-Ừ, năm nay bác Đ làm cùng bố bảo là bố chắc chắn sẽ về. Học giỏi vào, đợi bố về mang sách vở ra mà khoe.
Chỉ một lời khẳng định của mẹ mà hơn ngàn món quà động viên khích lệ tinh thần.
Tôi khi đó đang học lớp 2, mỗi ngày đến lớp, mục tiêu của tôi là phải mang về thật nhiều điểm 10. Đến cả lúc đi ngủ, tôi cũng mơ được bố xoa đầu khen “con gái rượu của bố giỏi quá” và bật cười khanh khách.
Tết đang đến rất gần, cảnh vật như được khoác một tấm áo mới, mỗi khi thấy người ta chở cành đào phóng vụt qua tâm trạng tôi lại rộn ràng, khấp khởi.
-Mẹ, Tết bố về, mẹ bảo bố mua một cành đào thật to nhé. Rồi mua thật nhiều bóng bay nữa để trang trí cành đào.
-Mẹ, chắc là mẹ sẽ không cần mua quần áo mới cho con nữa đâu vì ngày trước bố đã từng viết trong thư, khi nào bố về sẽ mua cho con thật nhiều quần áo đẹp và cả gấu bông nữa. Con thích một con gấu bông thật to. To bằng người con ấy.

Mẹ tôi vẫn chẳng nói gì, chỉ lặng lặng đạp xe trên con đường mòn quen thuộc từ trường tôi về nhà. Tôi ngồi sau nghêu những câu hát quen thuộc “Sắp đến Tết rồi, đến trường rất vui. Sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui…”. Dòng người vun vút đi qua, chỉ có tôi và mẹ là ngược lối.
27 Tết, tôi đã được nghỉ. Đây là ngày vui nhất vì tất cả mọi người đều tập trung lên nhà ông bà ngoại tôi để gói bánh chưng. Tôi cũng xông xáo tự tay gói 3 chiếc bánh chưng bé xíu. Một cái cho bố, một cái cho mẹ và một cái cho tôi. Đêm đó, tôi nằng nặc đòi ngồi trông bánh chưng bằng được, rồi ngủ thiếp đi bao giờ chẳng biết. Tỉnh dậy nhờ tiếng gọi của bà và cái lưỡi nhớp nháp của con chó vàng đang ra sức liếm vào mặt, tôi bật dậy chạy ra sân nơi những chiếc bánh chưng đang được vớt. Không thấy ba chiếc bánh chưng mình gói đâu, tôi hoảng hốt:
-Bánh của cháu đâu?
-Bánh của bay bà ăn mất rồi.
Bà đáp lại bằng vẻ mặt tỉnh bơ. Tôi òa khóc.
-Đùa thế thôi, chưa gì đã rơi nước mắt. Bánh của bay bà vớt ra từ đêm rồi. Đợi đến giờ mới vớt có mà nó chả bung bét ra chứ còn đấy mà ăn.
Tôi chạy lại chiếc rổ nơi bà chỉ, cầm ba chiếc bánh chưng nhỏ xíu được buộc dây lủng lẳng chụm lại với nhau mà trong lòng vỡ òa sung sướng. Thế rồi, chọn một chiếc bánh vuông vức nhất, tôi buộc chỉ đỏ vào đánh dấu để phần chiếc bánh đó cho bố.
29 Tết. Tôi không dám chạy đi chơi xa chỉ quanh quẩn ở cổng nhà vì sợ biết đâu bố về, tôi lại nhỡ mất giây phút được đón bố đầu tiên. Mãi đến giờ cơm trưa khi mẹ gọi, tôi mới chần chừ nhìn ngang ngó dọc rồi lững thững trở vào.
Buổi chiều, mẹ đi chợ, tôi không theo đi như mọi khi mà xung phong trông nhà. Đứng ở bờ giếng nhìn ra cây táo. Bốn xung quanh đã vãn quả, duy chỉ có cành táo mẹ con tôi để phần bố là vẫn còn sai nhất. Nhiều quả táo đã chín vàng và rụng xuống nhưng tôi cũng chẳng lỡ nhặt ăn, chỉ để khoe với bố rằng, tôi đã đợi bố lâu đến thế. Rồi sực nhớ, tôi chạy vội vào nhà sắp xếp lại sách vở, vuốt lại những mép giấy bị nhàu, để những quyển vở có chữ đẹp và được nhiều điểm 10 lên trên. Trong lòng thoáng chút hồi hộp như thể sắp bước lên sân khấu vậy.
Chiều 30 Tết, khi người người nhà nhà đều nhộn nhịp tiếng nói cười, chỉ riêng nhà tôi là im ắng. Mẹ tôi mang từ đâu về một cành đào phai be bé và vài quả bóng bay nhưng tôi đã chẳng còn hứng khởi.
Đêm 30, tiếng pháo hoa đì đụp. Mẹ lấy chiếc ghế đẩu bắc giữa cửa nhà để tôi trèo lên đó. Nghển cổ kiễng chân mãi, những gì tôi nhìn thấy chỉ là một vùng sáng hồng hồng đỏ đỏ khuất sau lùm cây nhà hàng xóm. Rồi những tràng pháo tép, pháo cối vang lên inh tai nhức óc, tiếng hò reo rộn rã của đám thanh niên nhộn nhịp cả xóm làng nhưng sao trong lòng tôi bốn bề đều vắng lặng.
Ngoảnh mặt ngước nhìn mẹ, tôi thấy thẳm sâu trong ánh mắt mẹ là cảm xúc gì đó rất khó diễn tả. Mẹ cũng đang cố nghển cổ để xem pháo hoa. Hay là cố nghển cổ để ngóng chờ và hy vọng, tôi cũng không biết nữa.
Kỳ nghỉ Tết năm ấy có lẽ là những ngày dài nhất trong những cái Tết của cuộc đời tôi. Bởi vì chỉ khi phải chờ đợi và hy vọng, người ta mới cảm thấy thời gian trôi qua thật chậm chạp và nặng nề.
Mùa táo sau, mẹ không còn nhắc tôi để phần bố nữa nhưng tôi vẫn giữ thói quen để lại cành táo sai quả nhất dù chẳng còn nhiều hy vọng.
Một ngày giữa tháng Bảy, đang trong kỳ nghỉ hè năm lớp bốn. Tôi được bà nội đón ra nhà ông bà chơi. Hôm đó, họ gọi điện để tôi được nói chuyện với bố. Nhấc điện thoại lên, tôi chẳng biết phải nói gì, chỉ hỏi “Khi nào bố về? Con vẫn phần táo bố” rồi òa khóc. Bố hứa với tôi sẽ về khi nào kiếm đủ tiền, dặn tôi phải ngoan ngoãn và nghe lời mẹ. Đó là cuộc điện thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi nhận được từ bố. Tôi về kể lại với mẹ, sắc mặt mẹ bỗng tối sầm.
-Đợi bố mày kiếm đủ tiền có mà đến mùa quýt. Đến lúc đó, tao chỉ còn cái xác khô thôi.
Kể từ đó, tôi ít khi dám hỏi mẹ về bố.
Một buổi chiều đi học về, nhà tôi bỗng trở nên rất náo nhiệt ồn ào. Từ trong nhà vọng ra tiếng cãi vã, rồi tiếng thủy tinh vỡ tan. Tôi dựng xe chạy vào thì một bác hàng xóm ngăn lại.
-Ngân, chạy đi. Chạy đi gọi người tới cứu mẹ mày.
Tôi chẳng buồn nghĩ ngợi dắt xe chạy ra cổng đạp thục mạng đi tìm người. Vừa đạp xe nước mắt vừa rơi lã chã không ngừng. Người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là bác L, một người bạn của bố tôi. May sao bác L làm bảo vệ ở trung tâm cai nghiện gần đó. Mẹ tôi được cứu kịp thời.
Thế rồi những vụ ồn ào tương tự liên tiếp xảy ra. Miết rồi cũng thành quen, mẹ dặn tôi không cần phải tìm người cứu nữa, chỉ cần mỗi khi có đám đòi nợ đến, tôi tìm chỗ mà trốn vào là được. Nghe lời mẹ, hễ khi có động tĩnh gì, tôi lại chui vào gầm giường, khi lại chui vào thùng phi. Ban đầu thì còn khóc, sau, nước mắt cứ thế khô dần. Tôi trở thành một cô bé vô cùng nam tính và cứng cỏi.

 


Một cái Tết nữa lại đến, tôi không cầm lòng được mà rón rén hỏi mẹ:
-Mẹ, Tết năm nay bố có về không? Nếu Tết bố về, chắc là bố sẽ mang tiền về trả nợ, mẹ sẽ không bị người ta đòi nữa.
Chỉ nghe có vậy, mẹ tôi bỗng nổi khùng:
-Thôi tao xin mày, mày đừng nhắc tới bố mày nữa. Làm ơn, làm ơn để tao được sống những ngày bình yên đi. Được không? Bố mày làm hỏng đời tao như vậy chưa đủ hay sao? Mày thấy có ai khổ như mẹ mày không? Không vay mà phải trả, thằng có tội thì cao chạy xa bay… Làm ơn để tao sống, tao kiếm tiền, tao trả nợ đậy cho nó, tao còn phải nuôi mày nữa.
Nước mắt tôi cứ thế rơi xuống. Tôi thấy mình khổ quá. Mẹ cũng vậy. Lúc đó tôi đã ước gì mình sinh ra được làm đàn ông. Làm đàn ông, tôi có thể bảo vệ được mẹ. Mọi phụ nữ ở trên đời đều khổ sở như vậy sao? Đều hết lòng trao đi tình yêu nồng cháy, hết lòng chờ đợi và hy vọng để rồi chuốc lấy sự đau đớn khôn cùng. Mỗi ngày tôi đều thấy mẹ tuyệt vọng hơn, mỗi ngày tôi lại thấy mẹ thêm một nỗi oán hận, mỗi ngày mẹ một đổi khác chẳng còn là chính mình. Mẹ cứ gào lên như vậy chỉ bởi vì mẹ quá cô độc. Cố tỏ ra ghê gớm chỉ vì mẹ quá yếu đuối. Mẹ chỉ có một mình và lại còn phải bảo vệ tôi. Bất lực nhưng lại không thể chết. Tuyệt vọng nhưng vẫn phải bước đi.
Ngày qua ngày hai mẹ con tôi vẫn bước đi theo cách đó. Vài chục năm sau vén màn ký ức nhìn lại… thì ra chúng tôi đã đi được một quãng đường dài thật dài. Vị của nước mắt tôi đã quá quen, màu của tuyệt vọng đã từng ngập khóe mắt… Rất nhiều chuyện đau lòng hơn thế tôi chọn cách không kể.
Rồi tôi nhận ra rằng, nguồn cơn của tuyệt vọng chính là hy vọng, xuất phát của đau đớn lại chính là tình yêu, nguyên nhân của oán trách lại chính là mong cầu… Nó lý giải tại sao một người phụ nữ vốn hiền lành, dịu dàng như mẹ tôi lại trở nên nóng nảy, hà khắc và bất mãn với cuộc đời. Bởi vì mẹ tôi yêu thương quá nhiều, hy vọng quá nhiều, chờ đợi quá nhiều, chịu đựng quá nhiều sự dày vò và cuối cùng, tất cả những gì bà nhận được chỉ là sự vô tình một người đàn ông phụ bạc. Những năm tháng thanh xuân trôi vụt khỏi tầm tay, những chờ đợi mỏi mòn bào mòn sức chịu đựng. Quyết định buông tay đã kéo mẹ tôi và cả tôi ra khỏi mảng ký ức nhuốm màu buồn ấy. Ngừng hy vọng cũng đồng nghĩa với ngừng tuyệt vọng. Hết yêu sẽ chẳng phải chịu những đau đớn vì tình yêu. Thôi mong cầu thì thôi oán trách. Thôi chờ đợi là thôi thấp thỏm, lo âu. Buông tay chính là chấm dứt những chuỗi ngày đau khổ, sống trọn vẹn trong những giây phút của hiện tại. Đối với phụ nữ, chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải chờ đến bao giờ.
Tôi lớn lên với một trái tim nhiều tổn thương và vô cùng nhạy cảm, cũng trải qua cảm xúc của tình yêu, từng hạnh phúc và đau khổ vì tình. Đã từng có quãng thời gian thả trôi cảm xúc trong trạng thái không hy vọng, không rung động, không mong mỏi, nội tâm hoàn toàn trống rỗng. Để rồi lại nhận ra, tôi cần sống chứ không cần tồn tại.
Người dũng cảm nhất chính là người bước qua tuyệt vọng nhưng vẫn giữ được niềm yêu đời và nụ cười tươi tắn trên môi. Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào tương lai nhưng lại chọn cách sống hết mình ở từng giây phút của hiện tại. Dễ dàng chấp nhận những cái kết đau lòng trong tình yêu bằng sự đồng cảm để nỗi đau không bào mòn tâm trí. Tôi không còn mong mỏi ai đó sẽ mang tới những điều mà bản thân mong muốn. Thay vào đó, tôi tự kiếm tìm nó cho mình. Tôi trở thành một cô gái không dễ dãi với tình yêu nhưng lại dễ dàng buông bỏ. Không dễ dàng để ai đó có thể gieo vào tim tôi nỗi oán hận nhưng lại rất dễ để tôi lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và bao dung. Không phải bởi vì tôi ngây thơ, khờ dại, chẳng phải bởi tôi quá hiền lành… mà đó là lựa chọn của tôi.
Một người bạn tên ĐĐ từng tâm sự với tôi rằng: “Anh muốn sống như ngọn cỏ lau, dù gió có lớn cũng chẳng thể gục ngã, dù nắng hay mưa thì vẫn cứ reo cười”.
Đời là bể khổ nhưng được sinh ra trên đời đã là một niềm may mắn. Bởi vì, bể khổ đó giúp chúng ta tôi luyện và trưởng thành một cách mạnh mẽ.
Bạn thân mến à, bạn có sẵn sàng bước qua nỗi đau để sống cuộc đời như ngọn cỏ lau kia không?
Lê Thanh Ngân

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO