Đàn ông, làm gì có ai sợ vợ. Có cũng hiếm. Trừ khi, vợ anh ta vừa giỏi, vừa giàu lại bề thế hơn anh ta nhiều lần mà anh ta phải dựa hơi vợ để đạt được mục đích nào đó ngoài tình yêu. Hoặc bản thân anh ta đang mang trên mình quá nhiều tội lỗi sợ bị người khác phát hiện. Còn lại, tất cả những anh gắn mác sợ vợ khác thì đều là yêu vợ, tôn trọng vợ đó thôi.
Khi đó các anh í đối với vợ như người lớn đối với trẻ con vậy. “Úi giùi ui sợ thế”, “Úi giùi ui hãi lắm”, “nóc nhà t chưa cho phép nên tao ko dám đi đâu”,... các thứ các thứ... Lý do cả đấy.
Thực ra, “sợ vợ” ở đây chính là “cho phép cô gái này được phép nổi giận với mình, chỉ cô gái này được ra uy với mình, sợ làm cô ấy buồn, sợ khiến cô ấy thất vọng, sợ nhìn cô ấy khóc, sợ nhìn thấy sự yếu đuối mong manh trong đáy mắt cô ấy mà cảm thấy mình tội lỗi biết bao nhiêu”.
Như vậy, thực chất là xót vợ chứ không phải sợ vợ. Không phải vợ/ người yêu anh ta mà thử bắt nạt anh ta xem, xem anh ta có sợ ko. Càng những người đàn ông tỏ ra “sợ vợ”, sợ ở trong nhà chưa đủ còn bê nguyên cả nỗi sợ ấy lên mạng xã hội thì theo mình để ý càng là những anh rất giỏi, giàu có, thành đạt, có lối sống văn minh, tính tình phóng khoáng, tư duy rộng mở, không bao giờ chấp đàn bà con gái.
Người yêu chỉ cần nổi cáu lên là ngay lập tức anh ta co rúm người lại như một phản xạ vô điều kiện. Nhưng ra xã hội, làm gì có ai bắt nạt được anh ta. Và cứ thử động đến cọng lông chân của vợ/ ny anh ta xem có phải động vào tổ ong ngay không.
Những anh này thường thông thái, tỉnh táo nên không bao giờ bị “hội bạn” kích động chỉ qua vài lời đả kích. Với anh ta “ừ, thì cứ cho chúng nó nghĩ mình sợ vợ cũng được, miễn sao mình vui, vợ vui, mình đạt được điều mình muốn, làm những gì mình thích” hoặc anh ta còn nhấn mạnh thêm cái sự sợ vợ của mình hơn nữa và lấy đó là niềm vui.
Càng như vậy, càng thể hiện anh ta nam tính, mạnh mẽ và hài hước. Mà những ông như thế này lại hay có hội. Trong những câu chuyện phiếm của mình, họ mặc định nhắc đến vợ như nóc nhà, vợ là nỗi sợ hãi, ám ảnh, là giới hạn của mọi cuộc vui... nhưng trong thâm tâm thì ai cũng ngầm hiểu rằng họ coi trọng gia đình, trân trọng người bạn đời của mình.
Chính họ luôn lấy lý do “vợ gọi về” để dừng lại những cuộc vui quá đà. Họ ủng hộ lý do đó và thấy nó hợp lý chứ không kích bác nhau. Bởi vậy, người ta mới có câu nói vui “đội vợ lên đầu là trường sinh bất tử”.
Cơ mà, cái “sự sợ vợ” kiểu này nó tỷ lệ thuận với độ sâu sắc của tình yêu, nên cứ thử hết yêu xem, phản xạ “sợ vợ” tự nhiên không còn nhạy nữa . Nhưng hết sợ ko có nghĩa là sẽ áp bức mà là cư xử chừng mực, vẫn lịch sự nhưng lạnh lùng.
Còn càng mấy ông suốt ngày mắng vợ chửi con để ra uy, ra điều ta không sợ vợ, vợ phải sợ ta, phục dịch ta, ta phải dạy vợ thì càng là mấy ông có đầu óc bảo thủ, cố chấp, định kiến.
Ham muốn áp bức vợ càng cao thì càng bất tài vô dụng. Hạng người này, luôn đặt thể diện cao hơn là tình cảm vợ chồng. Lúc nào cũng chỉ sợ người khác nhìn vào đánh giá mình không bằng vợ. Ra đường chẳng bắt nạt nổi ai, về nhà đánh vợ để cảm thấy mình vẫn còn sót lại chút uy lực.
Hạng người này, không sợ vợ, chẳng sợ con, có khi chẳng sợ cả bố mẹ nhưng lại sợ cả vạn người ngoài. Bản thân chẳng tự bảo vệ nổi mình, huống hồ bảo vệ vợ con. Nên đầu óc luôn cuồng quay trong mớ hỗn độn sân si rồi trút lên người yếu thế.
Hạng đàn ông này cũng có hội luôn. Và thường là hội chè chén, cờ bạc, rượu vào lời ra, châm chọc kích động nhau là giỏi.
Tâm lý con người là như vậy. Biểu hiện của hành vi sẽ phản ánh mức độ trưởng thành của nhận thức, trí tuệ và cảm xúc. Khi ta không đủ giỏi ta luôn sợ người khác giỏi hơn mình, ganh tị với tài năng của người ta, cố gắng thể hiện bản thân nhiều nhất có thể để chứng minh, tìm kiếm sự ghi nhận. Khi ta không đủ mạnh, ta luôn cố gắng tìm cách ra uy, dùng bạo lực để đàn áp.
Còn một khi đã đạt tới sự thấu hiểu, ở tầm cao của nhận thức, đủ giỏi, đủ mạnh, đủ chất đàn ông trong thân - tâm - trí thì chẳng việc gì phải mất công đi chứng minh với ai cả. Yêu chiều, trân trọng người phụ nữ nhỏ bé bên cạnh mình, phóng đại uy lực của cô ấy bằng cặp mắt kính lúp và trái tim tràn đầy tình yêu thương, lòng cao thượng, bao dung, trưởng thành chính là một trong những biểu hiện hành vi của người đàn ông chân chính.
Bởi vậy, nếu bạn có một người đàn ông như vậy ở bên cạnh, hãy trân trọng anh ấy nhé. Đừng được chiều quá hoá hư đấy, biết ko? He he