Tôi luôn tin rằng, số đông phụ nữ đều dịu dàng dù vẻ ngoài của cô ấy có mạnh mẽ đến nhường nào. Nếu, một người phụ nữ luôn cảm thấy bất mãn, hậm hực, lòng đầy oán thán không phải là do người đàn ông ở bên cạnh cô ấy khiến cô ấy trở nên như vậy, mà là cả hai người bọn họ đều đã ở bên sai người rồi.
Tình yêu thông thường đều trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 phiêu theo cảm xúc
Ở giai đoạn này, người ta thường tự tiết chế cái tôi của bản thân dành thứ tự ưu tiên cho đối phương. Ở giai đoạn này, thường thì bản thân có điểm gì nổi bật, ấn tượng, đẹp đẽ người ta sẽ đều phô ra hết. Sống như một phiên bản lý tưởng nhất của chính mình. Cảm xúc của tình yêu khiến họ như được tiếp thêm một thứ vitamin lãng mạn, mơ mộng. Cuộc sống lúc nào cũng như một bản nhạc du dương. Phụ nữ sẽ trở nên xinh đẹp hơn, tươi tắn, rạng rỡ hơn, dịu dàng, chu đáo, tinh tế hơn. Đàn ông thì ga lăng, cao thượng hơn.
Giai đoạn 2 khi đã tìm hiểu đủ lâu
Ở bên nhau đủ lâu để hiểu về tính cách, quan điểm sống, lý tưởng sống của nhau rồi. Đôi bên bắt đầu sống thật là chính mình hơn vì chẳng ai có thể gồng mình lên sống theo hình mẫu lý tưởng được mãi. Cái tôi bắt đầu được thoải mái thể hiện. Ở giai đoạn này sẽ có hai trường hợp xảy ra.Ở
Hoặc là cả hai cảm thấy càng ngày càng hợp nhau, hài lòng về nhau, chung hướng đi, chung mục đích sống, càng ở bên nhau càng cảm thấy đôi bên càng trở nên tiến bộ hơn, phát triển hơn, họ nảy sinh ý muốn gắn bó với nhau lâu dài.
Hoặc, càng ngày càng nhận thấy khác biệt, trái ngược về quan điểm sống, lối sống, sở thích, mục đích và hướng đi cũng khác nhau, họ quyết định chia tay. Đây chính là lý do, hầu hết các cặp đôi đều chia tay ở giai đoạn này. Khi tình yêu duy trì được khoảng 2-3 năm.
Giai đoạn 3 thường là sẽ đi đến hôn nhân
Ở giai đoạn này, những cặp đôi nào yêu nhau, hợp nhau, sinh con đẻ cái rồi lại thấy tình yêu càng gia tăng gấp bội, nỗ lực phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc. Những cặp mà đã từng cảm thấy lăn tăn, đã cảm thấy tình cảm của mình có vấn đề ở giai đoạn 2 rồi. Biết là ko hợp nhau rồi nhưng vẫn cố giữ thì đến giai đoạn này là dễ đổ vỡ nhất.
Ai đó nói rằng, thử thách lớn nhất của tình yêu là yêu xa. Nhưng tôi thì lại cho rằng, thử thách lớn nhất để phát hiện hai người có thực sự thuộc về nhau hay không chính là yêu gần. Ở bên cạnh sai người thì càng gần nhau, thời gian ở cạnh nhau càng lâu thì càng dễ chán ngán. Mà hôn nhân chính là sợi dây vô hình buộc hai người lại với nhau.
Ai yêu càng nhiều sẽ càng thấy hạnh phúc mãn nguyện, ai không yêu hoặc yêu không đủ nhiều sẽ cảm thấy ngột ngạt, tù túng. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao khi dịch covid hoành hành, tỷ lệ các cặp đôi đưa nhau ra toà ly hôn lại tăng cao đến vậy.
Giai đoạn 3 còn là giai đoạn tiềm ẩn nhiều biến cố. Nhiều cặp đôi chọn ly hôn không bởi vì họ quá trái tính trái nết mà bởi vì biến cố nào đó của hôn nhân.
Hôm trước tôi có đọc được một bài viết của một tác giả đại ý rằng: trên đời này làm gì ai hợp nhau, quan trọng là chúng ta vì nhau mà tiết chế, điều hoà như vậy mới ở bên nhau lâu dài được.
Tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho mình.
“Mục đích của hôn nhân là gì?”
Nếu đơn giản chỉ là ở bên nhau lâu dài thì quan điểm đó quả là hoàn toàn ko có gì đáng bàn cãi. Nhưng, nếu là tôi, tôi cần một người bạn đời ở cạnh thấu hiểu mình, chúng tôi dành cho nhau tình yêu thương, trân trọng, hài lòng về nhau. Đó là một mối quan hệ đề cao chất lượng thì nhận định trên tôi không thể đồng tình.
Trên đời này có những người hợp nhau không? Có chứ! Họ may mắn gặp được nhau ngay từ khi còn trẻ. Hoặc họ kiên nhẫn chờ đợi một nửa thuộc về mình chẳng bận tâm tới tuổi tác.
Những người có nhận định rằng hôn nhân chính là nhịn nhau để duy trì mối quan hệ lâu dài, hoặc là tuổi còn trẻ hoặc là tuổi đã xế chiều. Chưa hiểu sâu hoặc không thể/ không dám lựa chọn phương án khác. Cũng có thể là đã tìm được một niềm hứng thú khác mà không mấy bận tâm tới chất lượng hôn nhân.
Khác nhau ít có thể cố gắng dung hòa nhưng khác nhau nhiều đến mức mọi thứ đều trái ngược. Không có chung giá trị cốt lõi mà vẫn muốn ở cạnh nhau trong hòa bình thì hoặc là mặc kệ, hoặc là nhẫn nhịn. Tôi không thích cảm giác phải ở trong một mối quan hệ như thế. Thoải mái là chính mình chẳng phải tốt hơn là luôn luôn phải nhẫn nhịn hay sao?
Có những người phụ nữ thanh xuân rạng rỡ, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi nhưng lập gia đình được vài năm, gặp lại thấy thân hình gầy guộc, mặt mũi hốc hác, thái độ bất mãn, nói câu nào cũng đầy oán thán, hối tiếc, than thân trách phận.
Cũng có những người phụ nữ, tuổi trẻ chẳng có gì nổi bật nhưng sau khi lập gia đình nhan sắc càng ngày càng trở nên tươi tắn, ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ, dịu dàng hơn, đoan trang hơn, nói câu nào cũng đầy hàm ý biết ơn vì cảm thấy mình thật may mắn.
Không cần hỏi thì ta đều có thể nhận ra cuộc hôn nhân của họ có hạnh phúc không. Đương nhiên, phụ nữ hiện đại ai cũng hiểu rằng hạnh phúc nằm trong tay mình. Sung sướng hay đau khổ là do chính mình lựa chọn lấy. Rồi thì gió tầng nào gặp mây tầng đó.v..v..
Nhưng, việc ta ở bên ai, việc người bạn đời của ta đối với ta như thế nào, dù là không muốn, mối quan hệ đó cũng tác động đến ta nhiều lắm. Đừng quá tự tin vào nghị lực và sự độc lập của bản thân mà coi nhẹ cách người khác đối xử với mình, đặc biệt là người đầu ấp tay gối.
Phụ nữ suy cho cùng vẫn là phụ nữ, bá chủ thiên hạ chẳng bằng nằm trong vòng tay che chở của người đàn ông yêu thương mình.
Kể cả là có những người phụ nữ miệng cứ oang oang tuyên bố rằng “một mình cân cả thế giới, không cần đàn ông” thì đến khi vướng phải lưới tình, chẳng may gặp phải kẻ bạc tình bạc nghĩa, cô ta vẫn chịu đả kích lớn, vẫn biết đau lòng, vẫn bị tổn thương như thường.
Phụ nữ cần làm chủ được vận mệnh của mình. Mà muốn làm chủ được vận mệnh, không chỉ là cần nâng cấp bản thân mà còn cần cải tạo môi trường và các mối quan hệ. Hôn nhân cũng nằm trong số đó. Bạn muốn một cuộc sống tốt hơn, muốn bản thân ngày một phát triển hơn, ngoài việc tự thân nỗ lực thì phải biết chọn ở bên cạnh đúng người. Nó không khác nào chọn môi trường sống tốt và ném mình vào đó.
Chọn sai thì chọn lại, môi trường không tốt thì cần cải tạo, đừng cố chấp găm mình vào một mối quan hệ độc hại khiến bản thân bị kìm hãm, đánh mất chính mình rồi lại tự xoa dịu mình bằng những lý do cao cả hy sinh vì con cái.
Trong tình yêu, để có thể đỡ mất thời gian của nhau, nhanh chóng tìm được một nửa tâm đầu ý hợp ngay từ đầu, tốt hơn hết hãy sống thật.
Đừng đắp vô số thứ lấp lánh hào quang lên người để rồi mất công lột ra lại ngơ ngác, bật ngửa. Một mối quan hệ mà ngay từ khi bắt đầu đã không chân thật, kiểu gì không sớm thì muộn cũng chia ly. Sự chân thật trong tình yêu bao hàm nhiều ý nghĩa.
Có khi cảm xúc yêu thương là thật nhưng tính cách và hình tượng của bản thân lại chưa được thật. Để rồi tự mình lại nhận ra, người mà đối phương yêu, không phải là mình của phiên bản chân Phương nhất. Tự kết thúc mối quan hệ đó không phải vì đối phương không đủ tốt, mà bởi vì mình chưa đủ lý tưởng như những gì mà mình thể hiện.