Má là ai trong cuộc đời con?

Má là ai trong cuộc đời con?

"Má là ai trong cuộc đời con?"

Con biết rằng, khi buộc miệng hỏi nên câu ấy, ngàn vạn lần con gái sẽ trở thành một đứa con bất hiếu. Mà đối với văn hóa phương Đông của mình, đạo làm người chữ hiếu là đầu. Phật dạy: “Bất hiếu là tội lỗi lớn nhất của đời người”. Rồi con sẽ phải trả giá khi sống và thậm chí lúc chết sẽ bị đẩy xuống mười tám tầng địa ngục như những gì má đọc trong sách xưa. Không, con gái không sợ điều ấy đâu má ạ! Điều con sợ còn kinh khủng hơn bội phần. Đó là má sẽ đi gặp ba mà không một lời từ biệt như cái ngày ba rời khỏi thế gian này.

Con sẽ không nhắc lại câu chuyện tại sao ngày con ra đời ba không đưa má vào bệnh viện mà thay vào đó là anh hai. Con biết ngày đó má đã chịu nhiều thiệt thòi nên thân thể ốm yếu mãi cho đến giờ. Nhưng má biết không, con gái má khi mới mười bốn tuổi thôi đã bắt đầu phải oằn mình quằn quại gánh những cơn nhức xương khớp đến tuyệt vọng.

Từ ngày đó đến giờ đã gần mười năm, con vẫn một mình với những lo sợ và tủi thân. Má biết cả, nhưng rồi má cũng không có tiền chạy chữa cho con, thậm chí không cả nhớ vì không có thời gian để nhớ, rằng đôi khi con gái má chỉ cần lời quan tâm. Bây giờ má hay thở than, mỗi khi trở trời cái chân má lại đau. Con nhiều lúc chẳng buồn trả lời hay hỏi thăm má. Bởi má biết không, chẳng cần trời chuyển lạnh hay đổ mưa, lúc nào con cũng có thể đau, không chỉ chân mà là cả người, miễn là chỗ nào có khớp. Nhưng con sai rồi má nhỉ, phận làm con phải chăm sóc má những lúc trái gió ốm đau đúng không má. Vậy thì, má là ai trong cuộc đời con mỗi khi con như chết đi sống lại vì căn bệnh viêm đa khớp?

(Cơm tụi con ăn, áo tụi con mặc, nhà tụi con ở, sách tụi con học một tay má làm lụng vất vả mà có.)

Má sinh con ra, rồi má để con ở nhà với chị và đi suốt, đi hoài. Dăm bữa nửa tháng má lại về một ngày. Con rất mừng, như chó con vẫy đuôi bám chủ, lăng xăng đi theo má cả ngày. Trưa má nấu con ăn, má dỗ ru con ngủ. Hai má con nằm chung một chiếc võng giữa vườn cây xanh mát ba trồng. Có con nhóc mới bốn năm tuổi đã biết tự dặn đi dặn lại bản thân: “Không được ngủ, không được ngủ, chiều dậy là má đi mất”. Rồi, chiều hôm ấy, nó ngơ ngác tìm má, tự trách mình và ngồi khóc rấm rức sau hè. Ngày ấy con nhớ má nhiều lắm. Nhà nghèo, ba lại nghỉ việc công an huyện, nát rượu không lo làm lụng, một mình má vất vả bươn chải nuôi sáu miệng ăn. Chừng học cấp hai thì con hiểu ra những cơ cực của kẻ tha hương cầu thực như má. Nhưng, má là ai trong cuộc đời con, khi mà mười tuổi con đã không còn biết nhớ má là gì? Mãi cho đến sau này đi học xa nhà, con chưa hề một lần thấy nhớ.

Con học lớp một, ngày đầu tiên khai giảng là chị đưa đến trường, được vài hôm trời mưa bão, buổi chiều ba đạp chiếc xe cọc cạch chở con về. Và chặng đường sau này, hai mươi mấy năm trời, là cay đắng hay vinh quang con tự mình bước đi. Con được thành tích xuất sắc, là ba đi họp phụ huynh. Con có giải học sinh giỏi tỉnh, là ba tự hào. Con đậu trường chuyên, chỉ mỗi ba đi khoe khắp họ hàng làng xóm. Những lúc ấy, má là ai? Ở đâu? Những ngày con từng bị bỏng lửa khắp bụng, không hề có kí ức về sự có mặt của má. Là ba thoa thuốc và chị giặt những chiếc áo tanh hôi mủ máu. Những ngày con bị rạ, không nhớ má đã làm gì cho con. Ba và chị đã thay phiên nhau canh lửa sắc thuốc bắc cho con uống. Ngày con bị tai nạn vào viện, ngày con bị bạn bè bắt nạt, ngày ước mơ của con không thành, ngày con thi rớt đại học, ngày con chia tay người yêu đầu, ngày con nhận tháng lương làm thêm đầu tiên, … Những giọt nước mắt của con, không hề một lần má hiện diện. Kỳ lạ là, ngày gì quan trọng của hai anh trai, má đều có mặt. Má cũng trọng nam khinh nữ giống mấy kẻ bị ảnh hưởng nho giáo má nhỉ. Cho đến bây giờ con vẫn thắc mắc, tại sao sự tồn tại của một đứa con út trong gia đình lại nhỏ bé như chính bề ngoài của con vậy?

Má là ai trong cuộc đời con mà con lại không nhớ, từng trách, từng hận và lớn tiếng quát vào mặt?

Má là ai? Cho đến ngày mà ba mất, cách đây hai năm, thì con mới nhận ra mọi thứ không còn quan trọng nữa rồi. Điều quan trọng là má vẫn còn ở đấy, dẫu không thể gọi là nhà, thì cũng hãy ở nơi mà mỗi lần về đến là con được nhìn thấy má. Con gái má rất sợ má biết không. Ở cái tuổi sắp sửa 70 như má, cũng là lúc gần đất xa trời. Ba đã đi rồi, ngày ấy con thấy má đau đớn rất nhiều. Má chịu khổ cả đời vì ba, vậy mà ba đi thì má lại khóc đến tội. Bởi má biết, con cũng biết, từ nay má vốn cô đơn còn lẻ loi hơn nữa. Có thể ba chửi rủa, đánh đập má tàn nhẫn, mà lúc không có rượu câu chuyện buồn vui hai người vẫn có thể chia sẻ.

Ba bỏ lại má bơ vơ một mình, như ba từng nói, bốn đứa con không ai thương má cả. Cơm tụi con ăn, áo tụi con mặc, nhà tụi con ở, sách tụi con học một tay má làm lụng vất vả mà có. Nhưng, con trai má bất hiếu học thói bạo hành của ba, con gái má dù thương má vất vả thì cũng không có hiếu là bao. Chị làm việc gần má, nhất quyết không ở chung. Công việc bận rộn, cả tháng ghé thăm được vài lần, những lúc trở trời, ai bên má chăm lo? Con thì đi mải miết từ năm 16 tuổi, xa nhà trọ học rồi làm, tám năm trời vẫn chưa muốn quay về. Con hiểu con sai, nhiều lúc lòng con đau lắm, biết má nơi ấy đã bắt đầu chờ con mà mãi không cam lòng về lại với má. Nếu cứ biện hộ là bận học và làm lo cho tương lai của bản thân thì giả tạo quá má nhỉ. Không dám hứa ngày về, nhưng sẽ sớm thôi má ơi.

Bởi lúc này con đã trả lời được, má là ai trong cuộc đời con. Là người đã bất chấp sự phản đối của ba và sự nguy hiểm của tính mạng, cho con hình hài thân thể (kể cả có ốm yếu) cũng như cơ hội có mặt trên cuộc đời này. Là người đã hi sinh cuộc sống của chính mình để lo cho con, dẫu chỉ bằng tiền bạc. Và là người duy nhất trong cuộc đời con có thể gọi bằng má. Có thể má không là người mẹ tuyệt vời như bao người mẹ khác; không có câu hát à ơi, không những câu chuyện cổ tích mỗi đêm, không nấu chén cháo lúc đau ốm, không lời động viên khi thất bại, không câu khen ngợi ngày thành công. Nhưng không sao cả, vì má đã không bỏ rơi con kể cả những lúc má mệt mỏi cơ cực nhất.

Trong cuộc đời con, vì má là má thế nên con gái xin lỗi má nhiều.

Tác giả: Ny An

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO