Nếu tôi thành chủ tịch nước

Nếu tôi thành chủ tịch nước

Nhớ hồi còn học tiểu học, có một lần trong giờ sinh hoạt cô giáo chủ nhiệm hỏi cả lớp:
- Mỗi bạn hãy đứng lên nói cho cô biết ước mơ sau này của các em là gì?
Đa phần bọn con gái đều có ước mơ trở thành giáo viên, ca sĩ, diễn viên, tiếp viên hàng không. Bọn con trai thì làm phi công, giám đốc, công an, bác sĩ. Riêng tôi, tôi bảo:
- Em muốn làm Chủ tịch nước!
Cô hỏi:
- Tại sao Ngân lại muốn làm Chủ tịch nước?
Tôi dõng dạc trả lời:
- Vì Chủ tịch nước to nhất Việt Nam ạ!
- Mẹ tớ bảo, Tổng Bí thư mới là to nhất chứ! Một bạn đứng lên ý kiến.
- Ai bảo cậu thế, Chủ tịch nước mới to nhất! - Tôi cãi lại.
Cuối cùng, cuộc tranh luận chỉ tạm dừng khi cô giáo lên tiếng giải thích Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước còn Tổng Bí thư đứng đầu Đảng Cộng sản.
Thế đấy, Chủ tịch nước to nhất Việt Nam là suy nghĩ của đa số người dân quê tôi lúc bấy giờ. Bởi ngay từ bé, tôi đã thần tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vô điều kiện. Bởi vì, câu cửa miệng của rất nhiều người lớn xung quanh tôi mỗi khi vướng phải khó khăn hay bế tắc là "Nếu tao mà là Chủ tịch nước, tao sẽ...".
Mẹ tôi chính là người nói câu đó nhiều nhất. Chính bởi vậy mà, tôi có ước mơ làm Chủ tịch nước quả cũng là điều dễ hiểu. Ít nhất, tôi sẽ giúp mẹ hiện thực hóa những ước mơ của bà! Tôi xin nhấn mạnh, ước mơ làm Chủ tịch nước của tôi hoàn toàn là thật!


Lần đầu tiên mẹ tôi nói câu ấy là vào một lần bố mẹ tôi đánh nhau. Chuyện bố mẹ tôi đánh cãi chửi nhau vốn là việc xảy ra như cơm bữa. Tôi là một đứa trẻ sống chung với bạo hành ngay từ khi vừa lọt lòng. Mẹ tôi từng kể khi tôi chỉ mới vài tuần tuổi, bà đã phải bế tôi chạy trốn khắp xóm làng để thoát khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng. Ông vốn không mong đứa con đầu lòng của mình lại là con gái.
Mẹ tôi đi làm về muộn - ông đánh, mẹ tôi ăn mặc đẹp - ông đánh, mẹ tôi nấu cơm khê - ông đánh, mẹ tôi cãi - ông đánh, mẹ tôi không nói gì - ông đánh. Thậm chí, chỉ cần nhìn ngứa mắt ông cũng đánh!
Tôi nhớ có lần nọ, vừa dọn mâm cơm ra, cả nhà ngồi xuống chưa kịp ăn thì bố mẹ tôi to tiếng. Chuyện chẳng có gì, chỉ xung quanh cái ti vi. Bố tôi bảo "tivi nhà tôi nét hơn tivi nhà hàng xóm", mẹ tôi lại nói "tivi nhà hàng xóm to hơn tivi nhà tôi nên xem vẫn thích hơn". Thế là cãi nhau. Bố tôi mặt hằm hằm đứng bật dậy bê mâm cơm hất thẳng ra sân, bát đũa, nồi niêu văng khắp nơi. Đàn gà ùa vào kiếm ăn. Tôi nhịn.
Chưa dừng lại ở đó, ông rút luôn thanh chắn cửa nhằm giữa cái tivi mà ném "Này thì tivi này. Này thì to hơn này!". Thế là sau hôm đó, mẹ tôi phải mất cả trăm bạc để thay lại cái màn hình!
Những lúc đó, tôi chẳng biết phải làm gì chỉ trốn sau cánh cửa hoặc chui vào gầm giường. Tôi rất sợ nhìn thấy nét mặt đó của bố.
Sau mỗi lần nổi cơn điên, bố tôi lại đi khỏi nhà, mẹ tôi vừa cặm cụi dọn đống đổ nát ngoài sân vừa lẩm bẩm: "Tao mà là Chủ tịch nước, tao cho thằng bố mày đi tù mọt gông!".
Nói là vậy nhưng tôi biết, dù có bị chửi rủa, bị đánh đập, bà cũng vẫn yêu bố tôi nhiều lắm. Nhưng, bố tôi thì khác. Ông thường xuyên không về nhà để tôi và mẹ ngồi chờ mòn mỏi bên những mâm cơm nguội ngắt từ ngày này qua ngày khác. Tôi biết, mẹ rất cô đơn, rất đau đớn nhưng tất cả sự hờn giận, trách móc bà đều chôn chặt trong lòng chẳng dám thể hiện ra, vì với bà, sự có mặt của ông ở nhà đã là một niềm an ủi.
Nhưng rốt cuộc, tất cả những gì mà bà làm: nhẫn nhịn, hy sinh, vị tha... đều không thể giữ nổi bước chân ông. Năm tôi chuẩn bị bước vào lớp 1, bố tôi đi làm ăn xa. Nói là đi làm ăn xa nhưng thực ra là đi trốn lệnh truy nã. Ngày ông đi, mẹ bế tôi đứng ở cửa nhìn mãi theo bóng chiếc xe khách xa dần rồi khuất hẳn. Tôi dơ bàn tay nhỏ xíu vẫy mãi không ngừng. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên chẳng nghĩ được gì nhiều chỉ lờ mờ cảm nhận được lần chia tay này có lẽ là rất xa và rất lâu. Thế rồi, nghe đâu ông đã lập gia đình với một người đàn bà khác. Tôi thấy mẹ gần như suy sụp. Bà chờ đợi thêm 2 năm nữa, sau khi biết chắc ông đã có thêm 2 người con, mới quyết định đơn phương ly hôn.
Sau này lớn hơn chút nữa, tôi thấy, việc bố tôi bỏ đi không trở về ở một góc nhìn khác đối với mẹ tôi mà nói lại là may mắn. Bà không còn phải sống chung với những trận đòn, không còn phải khúm núm, sợ sệt trước mỗi bữa cơm. Bà cứ làm những gì mình muốn, ăn những thứ mình thích, mặc những bộ váy áo mình cho là đẹp mà chẳng bị ai cấm đoán, đánh đập.
Nhưng, tôi đồng thời cũng biết rằng, ở ngoài kia còn có nhiều phụ nữ giống trường hợp của mẹ tôi nhưng không được "may mắn" như thế.
Chị con bác tôi là một ví dụ điển hình. Ngày bé, tôi hay cùng chị đi trăn châu cắt cỏ. Chị tôi ngày ấy thuộc hàng xinh đẹp nhất thôn nhất xóm, được biết bao thanh niên theo đuổi. Nhưng kể từ ngày lấy chồng, sau 1 năm không gặp, tôi bàng hoàng khi nhìn thấy dáng vẻ của chị. Chị gầy gò đến mức đáng thương. Khuôn mặt hốc hác, gò má nhô cao, hai mắt hõm sâu, da dẻ thâm sạm. Một cô gái tuổi đời mới ngoài đôi mươi mà chẳng khác một bà thím 40 - 50 tuổi. Chị kể, hầu như ngày nào cũng bị chồng bạo hành dù chị đã nhẫn nhịn hết mức nhưng anh ta vẫn không tha cho chị. Mẹ tôi khuyên chị nên ly hôn nhưng chị chỉ biết gạt nước mắt lắc đầu:
- Ly hôn, nó giết chết mẹ con cháu! Mà nó có không giết con cháu, nó cũng đánh cho tàn tật!
Cho đến một ngày, chị ôm con về nhà ngoại máu mê đầm đìa trên mặt. Chả là chồng chị cặp bồ, chị bắt quả tang định đánh ghen thì bị chồng ném cho chai bia vào mặt. Hôm đó, chị phải đi viện khâu 7 mũi. Chồng chị bị công an xã mời lên làm việc nhưng chỉ trong buổi chiều lại thả về. Ở nhà ngoại mấy hôm những tưởng lần này thoát nạn thì một ngày đẹp trời, ông con rể vác hai can xăng đến đổ lênh láng khắp nhà bảo:
- Mày không về, tao đốt chết cả nhà mày!
Chị lại lủi thủi ôm con về lại nhà chồng! Từ đó, bỏ hẳn ý định muốn ly hôn!
Tôi thực sự thấy tội nghiệp cho chị nhưng chẳng biết phải làm gì. Chẳng ai có thể nghĩ ra cách gì đó hay hơn ngoài việc phải để chị tiếp tục chịu đựng. Bởi, nhà chị cũng như nhà tôi khi đó chẳng có tiền cũng chẳng có quyền. Trong nhà lại chẳng có đàn ông, những người phụ nữ chân yếu tay mềm, học hành không tới nơi tới chốn chẳng khác nào căn nhà tranh vách đất oằn mình giữa bão giông.
Lúc đó, tôi đã ước, giá như tôi có thể trở thành Chủ tịch nước, tôi sẽ làm điều gì đó để giúp chị, cứu chị ra khỏi ngục tù của hôn nhân cũng như bảo vệ những người phụ nữ đang ở trong tình cảnh giống như chị trên khắp đất nước này.
Tôi sẽ cho hết bọn đàn ông dùng bạo lực với vợ con phải vào tù. Trao cho người phụ nữ quyền được đường đường chính đơn phương ly hôn, làm thủ tục pháp lý nhanh chóng mà bỏ qua tất cả các bước hòa giải rườm rà. Hòa giải mà làm gì bởi một khi thằng đàn ông đã sẵn trong mình dòng máu thích bạo lực, thích dùng nắm đấm để nói chuyện, anh ta khó lòng bỏ được thói xấu đó. Đã đánh vợ một lần, sẽ có lần thứ hai, thứ ba... Và nghiễm nhiên, quyền nuôi con trong những trường hợp như vậy sẽ thuộc về người phụ nữ không bàn cãi...
Ấy thế mà ước mơ làm Chủ tịch nước cứ mờ nhạt dần đi tỷ lệ nghịch với tuổi tác của tôi. Tôi dù có đăng ký thi Đại học chuyên ngành Xây dựng Đảng nhưng rốt cuộc lại quyết định theo nghề Báo Phát thanh. Khi đã có một công việc khá ổn định, tôi lập gia đình và trở thành mẹ của hai em bé. Nhưng, đây cũng chính là thời điểm mà ước mơ được làm Chủ tịch nước thỉnh thoảng lại trỗi dậy sau rất nhiều năm ngủ quên trong tiềm thức của tôi. Đó là những lúc tôi cảm thấy sợ hãi và bất lực.
Như bao người mẹ khác, luôn có một nỗi lo sợ thường trực trong tôi về sự an toàn của con gái trong khi tôi lại không thể bao bọc nó đến suốt cuộc đời. Đề bài mà cuộc thi này đưa ra cũng chính là điều mà tôi muốn làm cho con gái mình.
Một buổi tối nọ, trong bữa cơm gia đình, tôi có vô tình xem được một tin tức trên Chuyển động 24h. Một bé gái 2 tuổi bị xâm hại tình dục bởi người đàn ông ở cùng xóm trọ khi em bé đang ngủ trước cửa nhà. Kể từ lúc đó, tôi không sao nuốt nổi bát cơm đang cầm trên tay, nước mắt chỉ chực trào ra. 2 tuổi, em bé đó hơn con gái tôi 6 tháng.
Cả đêm hôm đó, tôi không thể ngủ. Hình ảnh về em bé và những lời khai của tên tội phạm cứ ám ảnh trong tâm trí: "Tôi bế con bé trở lại nhà nó khi thấy nó bất động và máu xối ra quá nhiều. Tôi tưởng nó chết rồi".
Tôi khóc. Tôi đau như chính con gái tôi bị vậy.
2 tuổi. Khi mà cơ quan sinh dục còn chưa phát triển, tất cả chỉ như một mầm non chưa ra lá, chưa đơm nụ... Thứ rác rưởi đó đã làm gì với em bé vậy?
Tôi chưa bao giờ dám xem một bộ phim hoàn chỉnh khi biết rằng nội dung của bộ phim xoay quanh đề tài này. Hope (Hy vọng) là bộ phim duy nhất tôi xem trọn vẹn trailer trước khi nó được công chiếu rộng rãi trên các cụm rạp. Dù chỉ trong 2 phút ngắn ngủi, nhưng những hình ảnh của bộ phim ấy vẫn luôn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.
Em bé trong bộ phim với thân hình gầy guộc, cơ thể bầm dập những vết thương, máu... nhưng ám ảnh hơn cả là ánh mắt của em, những ngón tay run rẩy chới với trong góc tối của khu nhà kho tồi tàn.
"Con nghĩ bố mẹ bận nên đã nhấn gọi 911" - em bé nói trước khi thiếp đi sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ ruột non, ruột già...
Tôi bật khóc nức nở.
Tôi cũng là phận gái. Từ bé cho đến khi trưởng thành, tôi hiểu và thấm thía hơn ai hết, mỗi một bé gái đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục. Ngay từ khi còn học mầm non, bản thân tôi đã không ít lần tự chạy thoát thân khỏi những kẻ mang dáng dấp con người nhưng lương tâm không bằng loài cầm thú. Mà những loại rác rưởi ấy thì ở đâu cũng có thể bắt gặp. Hắn có thể chỉ là một người qua đường ghé vào xin ngụm nước, là hàng xóm, là bạn bè, con trai bạn bè của bố mẹ, thậm chí cả những người họ hàng thân thiết... Tất cả đều có khả năng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của bất kể bé gái nào chỉ trong 1 giây không kiềm chế nổi thú tính trong con người.
Hiếp dâm đã dơ bẩn, ấu dâm thì thực sự không còn bất cứ từ ngữ nào có thể diễn tả nổi.
Mỗi bé gái là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục, hầu hết đều bị dập nát cơ quan sinh dục, cắt bỏ trực tràng, ruột non, ruột già... không thể tự đi tiểu tiện, đại tiện mà cả đời phải sống chung với hậu môn nhân tạo và ống thông tiểu...
2 tuổi, có lẽ chúng sẽ chẳng thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, chúng không có quyền được yêu như bao cô gái khác, không có quyền làm vợ, làm mẹ... hay đơn giản chỉ là sống 1 cuộc đời bình thường như bản thân chúng đã từng.
Nhưng, thật kinh khủng khi trung bình cứ mỗi 8 giờ đồng hồ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại tình dục! Tôi đã vô cùng sock, vô cùng bàng hoàng khi nghe tới con số thống kê của Tổng cục Cảnh sát.
Trong 2 năm từ 2014 tới 2016, có hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra. Hơn 80% trẻ bị xâm hại là nữ, trong đó có hàng trăm trẻ em dưới 6 tuổi. Đó là chưa kể đến những vụ xâm hại tình dục không được báo cáo.
Là một người mẹ như bao người mẹ khác, tôi thực sự hoảng sợ vô cùng trước thực trạng này. Ấu dâm không chỉ đơn giản là gây nên những nỗi đau về thể xác từ những vết thương mưng mủ và nhiễm trùng, không chỉ là sự dày vò về tinh thần mà xa hơn, nó là sự thay đổi hoàn toàn số phận con người theo chiều hướng tiêu cực.
Nhưng, tất cả những gì mà tên tội phạm kia phải gánh chịu cho tội ác mà hắn gây ra chỉ là một bản án tù. Lúc đó, tôi đã ước gì mình là Chủ tịch nước nắm trong tay quyền lực để thay đổi khung hình phạt cho những kẻ phạm tội ấu dâm.
Tôi muốn chúng phải bị tử hình để diệt trừ mối hiểm họa cho xã hội, để làm gương cho những kẻ khác.
Tôi muốn đưa chương trình giáo dục giới tính và kỹ năng tự vệ vào trường học và để nó trở thành một trong các bộ môn chính xuyên suốt quá trình học chứ không phải chỉ gói gọn trong những buổi ngoại khóa ít ỏi.
Tôi muốn những bé trai phải được học đạo đức tình dục ngay từ trước khi bước vào tuổi dậy thì, học cách quan hệ tình dục văn minh dựa trên sự tôn trọng bạn gái và chỉ quan hệ khi có sự đồng ý của đôi bên.
Tôi muốn ngành y tế phải quan tâm hơn đến giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh, đặc biệt là trẻ em gái, để các em tự biết cách phòng tránh và bảo vệ mình. Tôi muốn họ cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá rằng "ấu dâm" rõ ràng cũng là một bệnh lý. Họ cần phải nghiên cứu, tổ chức thêm nhiều hơn nữa những buổi hội thảo chuyên đề này để tìm hướng giải quyết. Cần phổ biến nó rộng rãi hơn tới cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi ấu dâm.
Tuy nhiên, tôi cần nói thêm, vì ấu dâm là một bệnh nên thay vì nếu biết người thân của mình có xu hướng thích quan hệ tình dục với trẻ em (nhưng chưa phạm tội), chúng ta tẩy chay họ, miệt thị họ thì hãy khuyên họ tới khám tại các cơ sở y tế.
Tại một số nước phát triển trên thế giới những người đàn ông mắc chứng bệnh này có thể sẽ được tiêm một loại hooc môn làm giảm tính dục, giảm ham muốn. Vấn đề chỉ ở chỗ, họ biết mình bị bệnh và biết căn bệnh đó cần được chữa trị, họ tình nguyện được giúp đỡ! Ở Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều đó.
Bởi vậy, nếu một ngày đẹp trời, tôi có thể trở thành Chủ tịch nước, bằng mọi giá, tôi sẽ biến những mong muốn đó của mình trở thành hiện thực. Và còn rất nhiều, rất nhiều những điều khác nữa mà tôi muốn làm cho người phụ nữ.
- Tôi muốn xây dựng những trung tâm bảo trợ xã hội mang đẳng cấp quốc tế trải từ Bắc vào Nam để nhận chăm sóc những người phụ nữ đang mang thai không nơi nương tựa. Cho các em nhỏ mồ côi một mái ấm và một nơi học hành thực sự quy mô và hiện đại. Những trung tâm này sẽ bao gồm hệ thống trường học từ mầm non đến hết Phổ thông Trung học, bao gồm nơi ăn ngủ, bệnh viện, khu vui chơi, tập luyện thể thao. Có phòng tiếp nhận đồ quyên góp, ủng hộ hàng ngày của cộng đồng và phân loại những đồ dùng cần thiết cho từng lứa tuổi. Có các phòng học nghề và làm nghề để các em lao động kiếm tiền một cách nhẹ nhàng sau mỗi giờ lên lớp. Có những lớp học năng khiếu, kỹ năng mềm để các em có cơ hội phát triển tài năng như những trẻ em khác. Một trung tâm nói không với tiêu cực và lợi nhuận chính là những gì mà tôi muốn xây dựng.
- Tôi còn muốn gay gắt hơn nữa trong việc cấm sử dụng rượu bia, thuốc lá bởi nó là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo hành gia đình.
- Tôi muốn miễn phí khám thai sản cho những phụ nữ nghèo.
- Tôi muốn giúp những người phụ nữ vay vốn để kinh doanh dễ dàng hơn dù họ không có tài sản thế chấp chỉ cần chứng minh được năng lực.
Tôi còn muốn làm vô số những điều khác nữa cho người phụ nữ nếu tôi trở thành chủ tịch nước.
Nhưng...
SỰ THẬT, TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ TRỞ THÀNH CHỦ TỊCH NƯỚC!
Ước mơ làm Chủ tịch nước của tôi chẳng khác nào những nhân vật nữ chính trong truyện cổ tích hễ mỗi lần gặp khó khăn lại khóc toáng lên để mong được gặp ông bụt vậy. Mà hiện thực thì dù chúng ta có dành cả tuổi thanh xuân để khóc, có hô hoán cả họ hàng hang hốc ra khóc cũng chẳng có ông bụt nào hiện ra cả!
Kể cả tôi có trở thành Chủ tịch nước đi chăng nữa thì những gì mà tôi muốn cũng khó mà đạt được trọn vẹn. Chủ tịch nước của một nước Xã hội Chủ Nghĩa vốn không nắm trong tay nhiều quyền năng như Tổng thống của một nước Tư bản. Đằng sau Chủ tịch nước là cả một bộ máy chính quyền cồng kềnh. Làm Chủ tịch nước đồng nghĩa với việc tôi không thể đứng một mình các bạn hiểu chứ?
Hơn thế nữa, trên thực tế, họ - những người đã và đang ngồi trên chiếc ghế ấy đều đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình ở tầm vĩ mô chứ không phải ở tầm vi mô để vẽ ra từng nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thay đổi cuộc đời người phụ nữ.
Chưa kể đến, trong pháp luật Việt Nam, người phụ nữ đã và đang được hưởng rất nhiều sự ưu ái, được quan tâm từ những điều vô cùng nhỏ bé.
- Phụ nữ được nghỉ 30 phút/ ngày trong kỳ kinh nguyệt.
- Nghỉ 1h/ ngày khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.
- Không được chấm dứt hợp đồng lao động với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và nghỉ thai sản.
- Phụ nữ mang thai tới tháng thứ 7 không phải làm việc tăng ca, đi công tác hay đảm đương những công việc nặng nhọc.
- Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Nữ tử tù mang thai, chuyển từ tử hình sang chung thân.
- Chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn sẽ bị phạt tù.
- Trong Luật Bình đẳng giới có viết: nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.
- Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau...
Và còn rất nhiều, rất nhiều những quyền lợi khác mà tôi không thể kể hết ra ở đây!
Các bạn thấy đấy, rõ ràng, chúng ta có rất nhiều quyền lợi. Chúng ta được nhà nước, pháp luật bảo vệ. Chúng ta bình đẳng với nam giới. Nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng biết tới quyền lợi của mình. Thậm chí, có những người phụ nữ, họ không mảy may quan tâm trên đời tồn tại một khái niệm gọi là quyền phụ nữ.
Mẹ tôi là một ví dụ điển hình.
Năm tôi lên lớp 6, mẹ tôi đi thêm bước nữa với một người đàn ông đã từng có gia đình và 3 đứa con riêng. Cuộc sống tưởng chừng sẽ khá hơn nhưng bà vẫn cô đơn như vậy trong chính căn nhà mình. Ngày ngày bà đi làm và về nhà lúc 5 giờ 30 chiều, vừa lúc tôi cũng đi học về. Cảnh tượng tôi thường xuyên bắt gặp là mẹ tôi đang hí húi với đống nồi niêu xoong chảo trong bếp, quần áo công sở chưa kịp thay, người ám mùi dầu mỡ, mồ hôi đầm đìa.
Dượng tôi ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, chốc chốc lại rít điếu thuốc lào, đầu gật gù phê pha sau làn khói trắng. Thỉnh thoảng ông lại buột mồm nói ra câu gì đó vẻ vô cùng tâm đắc rồi lại bất mãn, rồi lại vỗ đùi... xem tivi xong, ông đi tắm, mẹ tôi dọn cơm chờ ông tắm xong rồi lại vội vã chạy vào nhà vệ sinh gom quần áo của chồng đi giặt.
Ấy vậy mà, chưa bữa cơm nào tôi thấy ông khen vợ mình nấu ăn ngon.
Mẹ tôi cứ sống như vậy cho tới một lần nọ bà trở về từ buổi tuyên truyền bình đẳng giới của hội phụ nữ xã. Suốt một tuần sau đó, bà đình công không nấu cơm, không dọn dẹp, không giặt giũ để cho dượng tôi phải làm nhưng rồi tất cả lại đâu đóng đấy. Mẹ tôi lại cần mẫn như chưa hề có sự thay đổi nào xảy ra. Tôi đã sớm biết trước kết cục này.
Chớp mắt đã ngần ấy năm trôi qua, bà đã đi qua 2/3 cuộc đời mình nhưng chưa khi nào tôi thấy bà có thời gian làm gì đó cho riêng mình. Tất cả sự quan tâm của bà chỉ quanh quẩn xung quanh chuyện bếp núc và dọn dẹp. Bà từ chối những buổi tuyên truyền của hội phụ nữ kể cả chỉ cần bà đến dự là có quà mang về. Bởi bà biết, đối với bà, những buổi tuyên truyền đó chẳng có nghĩa lý gì. Bà chấp nhận an phận với cuộc sống hiện tại dù tôi biết trong sâu thẳm lòng mình bà vốn dĩ cũng có những bất mãn, có những không đành, có những không cam tâm và cả những cái thở dài tiếc nuối. Chỉ là, bà ngại phải thay đổi! Tôi dám cá rằng, những người phụ nữ ở trường hợp giống như mẹ tôi thì dù có là Chủ tịch nước đến tận nhà tuyên truyền bình đẳng giới, bà cũng chẳng mấy bận tâm. Chưa kể đến, ông ấy đối với mẹ tôi mà nói cao xa vời vợi!
NGƯỜI CÓ THỂ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ CHÍNH HỌ
Tôi có lẽ đã trở thành một người phụ nữ như mẹ mình nếu không thể học hành tốt, không bước chân ra khỏi mảnh đất ký ức ấy và theo đuổi ước mơ của mình.
Bạn hãy nhìn ra ngoài xã hội kia mà xem. Có những người phụ nữ đang gặt hái rất nhiều thành công vang dội, sống cuộc đời hạnh phúc, tiền bạc dư dả, tinh thần phấn chấn. Vậy mà tại sao vẫn có những người phụ nữ quẩn quanh trong cái nghèo?
Bởi họ không trông chờ ai đó khác có thể làm gì đó giúp họ thay đổi cuộc đời. Tại sao ta lại phải đợi Chủ tịch nước thay đổi cuộc đời ta trong khi tự ta có thể thay đổi nó? Thậm chí, chỉ cần những người phụ nữ đoàn kết lại, họ có thể thay đổi Chủ tich nước chứ không phải đợi Chủ tịch nước thay đổi họ.
Sự thật là, khi những người phụ nữ bất hạnh còn đang ngồi đó than thân trách phận và ước ao "gía như mình được làm Chủ tịch nước..." thì những người phụ nữ thành công họ đã và đang hành động để biến những ước mơ của mình thành hiện thực.
Khi những người phụ nữ bất hạnh bỏ cuộc bởi vì một điều luật nào đó mới có hiệu lực có thể gây bất lợi cho họ trong việc kinh doanh thì những người phụ nữ thành công họ dám mạo hiểm bất chấp để khắc phục khó khăn, thậm chí tìm cách để lách luật!
Phụ nữ giỏi giang, thông minh và thành công khi nghe một câu chuyện của người phụ nữ khác, họ nhìn thấy những điểm tốt đẹp để học tập. Phụ nữ tầm thường khi nghe chuyện của người khác lại chỉ nhìn thấy những cái không tốt để mang ra chê bai.
Phụ nữ thành công xem rằng mọi sướng khổ đều từ mình mà ra. Phụ nữ thất bại lại đổ tại người khác hay do khách quan, ngoại cảnh. Bởi vậy, người phụ nữ thành công luôn tỏa ra nguồn năng lượng rất tích cực. Nguồn năng lượng này như thể mật ngọt hấp dẫn những điều tốt đẹp đến với họ. Còn người phụ nữ thất bại luôn bị nhấn chìm trong u tối và oán trách.
Cùng bị chồng phản bội, người phụ nữ thành công chọn cách chia tay êm ái, nhẹ nhàng, cuộc đời lại tươi đẹp. Người phụ nữ thất bại tìm cách làm um lên, đánh ghen, chửi rủa, oán trách chồng nhưng lại cố bám víu lấy anh ta không buông tha!
Người phụ nữ thành công luôn chủ động và kể cả có bị đẩy vào tình thế bị động, cô ấy cũng nhanh chóng lật ngược tình thế. Người phụ nữ thất bại luôn bị động. Vì không biết cách làm chủ, không biết cách lật ngược tình thế nên họ chỉ còn biết làm um lên bất chấp kết cục sẽ ra sao. Những việc họ làm càng khiến bản thân trong mắt chồng trở nên tầm thường. Nhiều người đàn ông khi đứng trước một bên là bồ, một bên là vợ nhưng chẳng ngần ngại bênh bồ chằm chặp. Vì vợ anh ta làm anh ta quá bẽ mặt.
Phụ nữ ra xã hội đừng vin vào lý do mình là phái yếu để rồi mong được phái mạnh ưu tiên! Cái gì đàn ông làm được, mình cũng làm được. Càng nghĩ rằng mình thuộc diện ưu tiên, phụ nữ càng không có được sự thừa nhận năng lực từ những người đàn ông. Để rồi bọn họ sẽ bĩu môi dài thườn thượt bảo với bạn rằng "không được ưu ái có mà làm được khối!".
Nếu bạn là phụ nữ, bạn muốn thay đổi cuộc đời mình để nó khá lên không chỉ về kinh tế, tinh thần và sự văn minh như đề bài đưa ra thì ĐỪNG "Nếu tôi được làm chủ tịch nước!". Những gì bạn cần làm là xắn tay lên thay đổi những thứ trong hiện tại để nó mang lại kết quả tốt trong tương lai. Chứ không phải là mơ ước một sự thay đổi trong tương lai để thoát khỏi những khổ ải ở hiện tại!
Thực chất Kinh tế - Tinh thần - Sự Văn minh vốn có gắn bó mật thiết với nhau. Trong đó, kinh tế có vai trò quyết định.
Và bất kể cuộc cách mạng nào cũng phải bắt nguồn từ cuộc cách mạng tư tưởng. Muốn thay đổi cuộc đời trước tiên phải thay đổi về nhận thức, tư duy. Nói một cách dễ hiểu: Bạn muốn giàu thì trước tiên bạn phải biết căm ghét cái nghèo, phải có khát vọng làm giàu cái đã. Còn nếu như bạn vẫn chấp nhận cuộc sống nghèo khổ và chẳng có khát khao gì với việc làm giàu, đương nhiên, bạn không thể giàu được.
Người phụ nữ muốn sống cuộc đời hạnh phúc, vui vẻ trước tiên họ phải được tự do. Tự do lấy người mình yêu, làm điều mình muốn. Nhưng, sự tự do chỉ có được khi họ tự chủ được về kinh tế. Ai cũng vậy, không chỉ riêng người phụ nữ. Nói rộng ra phạm vi một đất nước, phụ thuộc về kinh tế ắt sẽ dẫn tới bị thao túng về chính trị! Đó là lẽ đương nhiên.
Muốn tự chủ về kinh tế trước tiên phải có tư duy làm chủ. Xóa bỏ những tư tưởng, quan niệm cũ về hình mẫu những người phụ nữ chỉ quẩn quanh trong căn bếp gia đình tiêu tốn cả đời mình chỉ cho những việc nấu nướng, dọn dẹp.
Khi đã có tư duy làm chủ, người phụ nữ ắt sẽ biết mình cần phải làm gì để làm chủ cuộc đời mình. (Cụ thể như thế nào, tôi đã viết rất rõ trong bài thi trước).
TƯƠNG LAI CỦA CON GÁI BẠN NẰM TRONG TAY BẠN
Mỗi người phụ nữ đều chịu ảnh hưởng bởi gia đình mình. Con gái bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng, phương pháp, cách giáo dục của bạn. Đối với con trẻ, những lời chỉ bảo của mẹ gần như là chân lý, là tuyệt đối.
Thay vì để đến khi con gái mình bị bạo hành tới tím tái mặt mũi mới nghĩ cách giải quyết, chi bằng, ngay từ khi con còn bé, hãy truyền cho chúng những luồng tư duy tích cực về hình mẫu những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi, dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chứ không phải những người phụ nữ chỉ trông chờ vào may mắn, lấy chồng ra làm thước đo giá trị cho bản thân, cả đời sống trong sự nhẫn nhịn. Khi con gái bạn trở thành một phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ, độc lập, chắc chắn nó tự biết chọn cho mình một người chồng tốt!
Trường hợp của chị tôi mà tôi đã kể bên trên chính xác là một bài học cho rất nhiều phụ nữ trẻ. Nếu chị tôi học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm, kiếm ra tiền thì có lẽ chị ấy đã chẳng lấy một người chồng đã thất nghiệp lại gia trưởng, đã ham mê rượu chè, gái hú lại sẵn máu vũ phu. Nếu nhà bác tôi vừa có tiền, vừa có quyền thì chắc chắn, anh con rể đã chẳng dám ngang nhiên mang 2 can xăng vào giữa nhà mà làm xằng làm bậy.
Thay vì cấm đoán con gái không được chơi với bạn này, không được chơi với bạn nọ, chi bằng ngay từ đầu hãy chọn cho chúng một môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, kết bạn với những người bạn văn minh.
Thay vì ném cho chúng những chiếc ipad, điện thoại để kìm chân chúng, hãy dạy chúng đọc sách, truyền cho chúng niềm yêu thích với việc đọc sách, sắp xếp góc học tập gọn gàng. Thời gian rảnh, chúng có thể cùng mẹ chăm sóc những chậu hoa hồng hay tưới cho những luống rau xanh. Chỉ là những việc vô cùng nhỏ thôi nhưng lại rất ích lợi trong việc giúp chúng trở nên rất nữ tính, rất nhẹ nhàng và chỉn chu.
Thay vì kiếm tiền cho chúng tiêu, hãy dạy chúng cách kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình để chúng biết quý trọng đồng tiền và có tư duy về kinh doanh ngay từ khi còn bé.
Thay vì bắt chúng lao đầu vào học thêm học nếm đủ các môn học toàn số má và chữ nghĩa, hãy cho chúng học những gì mà chúng yêu thích. Mỹ thuật, hát nhạc, đàn, múa, nhảy, MC, diễn viên, kỹ năng mềm… Những bộ môn đó sẽ giúp bé biết yêu cái đẹp, tự tin hơn, năng động hơn… để bé cảm thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhiều điều thú vị chứ không chỉ gói gọn trong những bài vở chán ngắt ở trường.
Đến khi chúng bước vào tuổi dạy thì, thay vì cấm chúng yêu, cấm quan hệ tình dục, hãy là người bạn thân của chúng, lắng nghe những rung động đầu đời của chúng, phân tích cho chúng hiểu một cách nhẹ nhàng, tường tận những lợi hại của quan hệ tình dục, dạy chúng những kỹ năng phòng tránh thai…
Đừng bó hẹp chúng trong phạm vi gia đình và nhà trường, nếu có điều kiện, hãy cho chúng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, hiểu thêm về nhiều nền văn hóa. Chúng sẽ được mở rộng tầm mắt, gia tăng sự tự tin, tinh thần cũng trở nên tươi vui, lạc quan, yêu đời. Chúng sẽ sống với trái tim tràn đầy năng lượng, giàu nhiệt huyết, phóng khoáng và bao dung.
Tất cả đều là con, hãy đỗi xử công bằng. Đừng thiên vị con trai và lỡ để cho con gái bị tủi thân mặc cảm vì giới tính của mình! Hãy cho chúng thấy làm con gái thực sự là một điều tuyệt vời!
Đừng chỉ phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Bởi, đợi đến mẫu giáo mới dạy con là quá muộn. Gia đình chính là cái nôi để giúp con bạn hình thành nhân cách. Không chỉ các bé gái mà các bé trai cũng nên được cha mẹ dạy phải biết tôn trọng các bạn nữ. Do sự ích kỷ cố hữu, nhiều bà mẹ có con trai không nhìn thấy những cái lợi lâu dài mà chỉ thấy những cái thiệt trước mắt. Họ chỉ dạy con phải biết yêu quý, kính trọng và hiếu thảo với mẹ nhưng lại chẳng bận tâm con trai mình đối xử như thế nào với vợ nó. Thậm chí còn tồn tại những bà mẹ chồng xui con trai phải “dạy dỗ” con dâu đến nơi đến chốn.
Con trai tôi sẽ không chỉ được học nấu nướng, dọn dẹp, san sẻ công việc gia đình y như chị nó mà còn phải học cách đối xử sao cho ra dáng một quý ông thực thụ khi đứng trước phụ nữ. Đã là đàn ông mà không thể bảo vệ, che chở cho vợ con mình thì cuộc đời anh ta hẳn đã thất bại một nửa rồi.
Câu chuyện đau lòng về em bé bị xâm hại tình dục tôi kể phía trên chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều những ông bố mà mẹ luôn xem nhẹ việc giáo dục giới tính và thiếu cảnh giác với những nguy cơ có thể đe dọa con gái họ.
Chung thân hay tử hình? Cái kết dành cho những tên ác nhân ấy thực sự là không đủ. Các em vẫn không thể trở về với cuộc sống bình thường như trước kia. Và hơn thế nữa, dù ta có bắn bỏ tất cả những kẻ phạm tội ấu dâm thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Dù tôi có trở thành Chủ tịch nước để hiện thực hóa những ước muốn của mình trong việc cải cách giáo dục, thay đổi chương trình học cho các em nhưng không có sự hợp tác của gia đình thì việc giáo dục giới tính e là vẫn quá khó.
Tôi đã từng ước gì, bố mẹ của em bé 2 tuổi - nạn nhân trong vụ xâm hại tình dục kinh hoàng kia đã không để em bé ngủ một mình trước cửa nhà. Ước gì họ có thể để ý, quan tâm đến em bé hơn... thì có lẽ câu chuyện đau lòng này đã không xảy ra.
Thế nên, ngay bây giờ, xin các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn đến con em mình. Ngoài việc luôn để mắt đến chúng, hãy dạy chúng tự biết cách bảo vệ mình khi chúng bắt đầu biết nhận biết về cơ thể, cảnh giác với người lạ, hô hoán kêu gọi sự giúp đỡ hoặc tự chạy thoát thân khi có ai đó có ý đồ xâm hại vào cơ thể chúng dù là bất cứ bộ phận nào. Và làm ơn, dừng ngay việc xi tè con em mình ở những nơi công cộng để chúng ý thức được rằng "chỗ đó" không được phép để người khác nhìn thấy ngoài mẹ hoặc bố. Thậm chí đến một độ tuổi nhất định khi con có thể tự vệ sinh thân thể thì ngay cả bố mẹ cũng nên tỏ ra tôn trọng quyền riêng tư của con. Nếu ngay từ khi sinh ra, việc để người khác nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình là chuyện bình thường thì khi có khả năng bị xâm hại tình dục, chúng sẽ không thể ý thức được mình bị xâm hại nên không thể có những hành động phòng vệ và phản kháng kịp thời.
Chúng còn quá non nớt, quá yếu đuối, quá mong manh... dù chỉ là 1 bàn tay dơ bẩn thôi cũng đủ gây cho chúng nỗi ám ảnh và kinh hoàng suốt cuộc đời.
ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
Cuộc đời bạn nằm trong tay bạn, bạn có quyền nâng nó lên hoặc buông thả nó. Nâng lên ắt sẽ nặng, buông tay ắt sẽ nhẹ nhàng! Không có sự thành công, hạnh phúc nào lại dễ dàng đạt được cả. Vào những lúc khó khăn, bế tắc nhất, bạn có thể gào khóc, có thể chửi bới, có thể “ước gì mình trở thành Chủ tịch nước”… nhưng sau đó, hãy hít sâu, thở đều, lấy lại tinh thần và tiếp tục chiến đấu! Không đi được đường này, ta rẽ sang đường khác, phía trước là vực, phía sau là chông gai không có nghĩa bên cạnh đã hết đường! Con người ta thực ra chỉ hơn nhau ở tinh thần, nghị lực, thái độ sống. IQ cao nhưng AQ thấp cũng khó lòng thành công!
Sức khỏe, gia đình, sự nghiệp, bạn bè theo bạn người phụ nữ thành công sẽ chọn điều gì? Cô ấy chọn tất cả và cân bằng nó. Với người phụ nữ thành công, không có khái niệm đánh đổi!
Phụ nữ giống như những người làm vườn đang chăm chút những mầm non. Khu vườn ấy tương lai có thể xanh tốt hay không phụ thuộc vào đôi bàn tay chăm sóc của bạn. Cũng như, con gái bạn sau này có thể sống một cuộc đời tốt đẹp dư dả về tiền bạc, vui vẻ về tinh thần, văn minh về lối sống hay không... tất cả là do bạn quyết định.
Không phải Chủ tịch nước!

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO