logo

Tình yêu đích thực là gì ?

Khi đã nhắc đến “tình yêu”, hẳn sẽ có hàng trăm ngàn định nghĩa cho nó. Người thì tôn vinh nó như một thứ cảm xúc thiêng liêng, cao quý, nhưng cũng sẽ có người so sánh nó như một mũi dao sắc nhọn, hoặc một liều thuốc độc, thuốc nghiện gieo rắc đau khổ cho con người trên thế gian.

Tất nhiên tùy vào sự trải nghiệm của mỗi cá nhân sẽ có những định nghĩa khác nhau hoàn toàn về “tình yêu”. Bài viết sau đây cũng chính là dựa vào quan điểm cá nhân của mình về “tình yêu” trên nền tảng tình yêu của Phật giáo dành cho chúng sanh để đưa ra một định nghĩa ít “cảm tính” và “cá nhân” nhất, đảm bảo tính trực quan cho hai chữ “tình yêu” này như bản chất nó vốn có của nó.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp cho các bạn hiểu được vì sao tình yêu vừa là hạnh phúc và vừa là khổ đau? Vì sao tình yêu khó lâu dài? Tình yêu đích thực có thật sự tồn tại như chúng ta vẫn nghĩ hay không? Các bạn đọc bài và tự tìm câu trả lời cho riêng mình nhé.
“Tình yêu” mình dùng ở đây là tình yêu chung, không riêng về tình yêu “nam nữ” nhé.

tình yêu là gì

Tình yêu xuất phát từ sự vị kỷ

Khi mình dùng từ “vị kỷ” hẳn các bạn cũng dễ dàng nhận ra nó chính là tình yêu xuất phát từ cá nhân, bản thân rồi đúng không? Vâng, nó chính là tình yêu quan hệ nam nữ thông thường trên cuộc đời này mà rất nhiều người nhìn thấy, dễ hiểu, dễ nhận biết vô cùng.
Vị kỷ ở đây chính là đặt bản thân làm trung tâm của cuộc sống, chính là câu “yêu thương bản thân mình” rồi mới yêu thương người khác mà bạn nhìn thấy mỗi ngày. Đồng thời cũng là thứ tình yêu “công bằng” tức là bản thân bạn phải tốt đến đâu đã, rồi sau đó sẽ chọn lựa một người bạn đời tương xứng với phẩm hạnh và giá trị của bạn.
Nhìn theo nghĩa thông thường thì nó giống mối quan hệ “có qua có lại” – nền tảng cho tất cả các mối quan hệ trên cuộc đời này để đôi bên cảm thấy hạnh phúc, tương xứng và bền lâu.
Tuy nhiên, nếu bạn không ngại nhìn vào sự thật của mối quan hệ này thì mời bạn đọc tiếp nhé

Sự ích kỷ

Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng vì sao bạn lại yêu không? Tình yêu nó xuất phát cũng từ chính nhu cầu cá nhân mà bản năng bạn mách bảo cho bạn đầu tiên. Khi bạn đói thì bản năng bạn sẽ tìm thứ gì đó cho vào miệng để ăn, khi khát bản năng bạn sẽ tìm nước để uống, và dĩ nhiên khi bạn cô đơn bản năng bạn sẽ thúc đẩy bạn đi tìm tình yêu.
Sơ nguyên của con người đều có những nhu cầu rất cơ bản và sự đáp ứng nhu cầu ấy cũng chỉ là những điều kiện rất cơ bản. Nhưng theo sự phát triển và tiến hóa của loài người, những nhu cầu cơ bản ấy lại bị biến thành những nhu cầu nâng cao. Chúng ta bắt đầu muốn ăn ngon hơn, muốn được món này món kia. Chúng ta bắt đầu biết uống nước soda, nước trà, cà phê, rượu. Rồi dĩ nhiên cái nhu cầu có một người bạn đời tự nhiên sẽ nâng cao tiêu chuẩn lên thành một người bạn đời “chất lượng” và tương xứng.
Điều này đúng hay sai? Điều này đúng. Đúng theo quan điểm của mình vì xin thưa mình cũng chỉ là một người phàm phu tầm thường, không phải thánh nhân nên dĩ nhiên mình không thoát khỏi những cám dỗ quá đỗi thường trực của bản ngã, nếu không thì chắc mình đã đi tu luôn rồi hê hê
Dĩ nhiên bất cứ một điều gì xuất phát từ “nhu cầu cá nhân” nó đều đến từ sự vị kỷ - Vị kỷ ở đây là self-centered (bản thân làm trung tâm). Sự vị kỷ ở đây không xấu, tức lấy bản thân làm trung tâm để bảo vệ mình, bình thường họ còn sẵn sàng chống lại điều xấu xa miễn là việc đó không ảnh hưởng đến bản thân họ. Nhưng người vị kỷ có khả năng sẽ làm việc xấu để bảo vệ bản thân khi gặp biến cố và họ chắc chắn sẵn sàng trở thành người ích kỷ nếu cần.

Tình yêu đơn phương

Vậy có phải những người yêu đơn phương, yêu mù quáng, yêu đến nỗi hủy hoại bản thân chính là những người có tình yêu không đến từ sự ích kỷ? Bạn lầm rồi. Họ chính là những người ích kỷ đấy. Họ cho đi tình yêu một cách cùng cực như vậy, đến bản thân không quan tâm, không yêu thương chính là để có được sự hồi đáp tình yêu từ phía đối phương. Họ không hề yêu đối phương như họ nghĩ, mà họ đã yêu bản thân mình quá nhiều đến mức mong muốn người kia phải đáp lại, phải ở bên cạnh họ thì họ mới hạnh phúc. Nếu tình yêu họ là thật lòng xuất phát từ hai chữ “cho đi một cách tự nguyện” thì khi người khi đồng ý đến bên họ thì họ có đồng ý không dù biết rằng người đó không yêu mình?

tình yêu đơn phương

Tình yêu “hi sinh”

Những người phụ nữ “hi sinh” cả cuộc đời vì chồng rồi sau đó lại oán trách chồng mình không đối xử tốt với mình, đây cũng chính là cái định nghĩa sai lầm về hai chữ “hi sinh” mà ngày nay được sử dụng một cách rộng rãi để nâng tầm bản thân lên. Chữ hi sinh nguyên bản của nó là một sự cho đi không hề mong cầu nhận lại. Còn khi bạn đã “hi sinh” mà mong cầu người kia sẽ đối xử tốt với bạn, yêu thương bạn, quan tâm bạn thì nó lại trở thành mối quan hệ “có qua có lại” mà mình đã đề cập trong bài “Trinh tiết”. Điều đó có nghĩa là bạn cố gắng cho đi để được nhận lại một sự đền đáp tương xứng từ người khác. Điều này cũng xuất phát từ sự ích kỷ.

Tình yêu “chiếm hữu”

Điều này quá dễ thấy luôn :)) Vì nó rất là “đời”. Yêu mà không ghen thì sao gọi là yêu được? Định nghĩa của cuộc đời về tình yêu nó là như thế đấy. Sự chiếm hữu ở đây xuất phát từ đâu? Cũng là từ sự ích kỷ của bản thân, muốn người đó phải là của mình, của mình từ thể xác, trái tim, khối óc đến cả tài khoản ngân hàng và gia sản của anh.
Đây cũng là sự vị kỷ, cố gắng bồi đắp bản ngã của mình. Bạn yêu người đó, đối tối với người đó chỉ vì sợ người đó sẽ không yêu bạn nữa. Bạn tất nhiên luôn muốn vun vén cái gia đình này để mối quan hệ này sẽ kéo dài lâu, hạnh phúc và bền bỉ để đạt được sự an tâm trong lòng. Tuy nhiên, nếu một ngày đẹp trời người đàn ông đó không còn yêu bạn nữa, rời bỏ bạn để theo một người đàn bà khác thì bạn có thành tâm chúc phúc cho người đàn ông này hạnh phúc, yên lòng để họ ra đi mà lòng vẫn yêu người đó vô điều kiện không? Tất nhiên là không.
Lúc này bạn nghĩ rằng bạn vẫn yêu chồng, không muốn mất chồng nên cố gắng giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, việc níu giữ này không xuất phát từ tình yêu nữa. Nó xuất phát từ cái tôi của bạn bị tổn thương, như một đứa trẻ bị giật mất đi món đồ chơi yêu thích. Nó xuất phát từ danh dự của gia đình. Nó xuất phát từ đứa con. Nó xuất phát từ việc muốn khẳng định “sở hữu” với người đàn bà kia rằng anh ấy là của tôi, tôi mới là vợ của anh ấy. Nó sẽ xuất phát từ bất cứ một lý do nào khác nhưng chắc chắn không phải là tình yêu, mà tất cả những lý do nào khác đấy lại bị che đậy sau hai chữ “tình yêu” – giống như che đậy sau hai chữ “hi sinh” ở đoạn trên.

Tình yêu “kỳ vọng”

Đây chính là loại tình yêu xuất phát từ nhu cầu rất căn bản của con người đối với bất kỳ một mối quan hệ nào chứ không riêng gì tình yêu. Tình yêu xuất phát từ sự kỳ vọng được chia ra làm hai loại:
_ Loại kỳ vọng từ bản thân: Đó là khi một người dùng nhu cầu mong muốn được yêu của bản thân làm nền tảng và dùng nó để yêu đối phương với kỳ vọng được yêu lại tương tự. Hoặc nói cách khác là dùng định nghĩa “tình yêu” của riêng mình để yêu người khác. Kiểu yêu này cực kỳ phổ biến trong khá nhiều mối quan hệ, dẫn đến sự thất vọng và khổ đau từ phía người cho đi.
Ví dụ 1: Một cô gái A có nhu cầu được quan tâm thật nhiều, ở bên cạnh nhau thật nhiều, quấn quýt nhau mỗi ngày. Chính vì những nhu cầu này, cô A này luôn hành xử như vậy với người yêu của mình. Người đàn ông này lại là một người bận rộn, mỗi lần họp quan trọng thì cô A này lại gọi điện. Anh ấy không nghe máy thì cô ấy sẽ cảm thấy không an toàn, cảm thấy anh ấy không còn yêu mình nữa. Bởi vì sao? Bởi vì cô đang suy diễn từ bản thân mình. Chính vì vậy cô cảm thấy đau khổ, tức tưởi, thất vọng và đau khổ. Cô nghĩ cô làm như vậy là yêu ảnh nhưng cuối cùng thật ra cô cũng chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi.
Ví dụ 2: Một người mẹ luôn muốn bảo vệ con gái mình khỏi những hiểm nguy xã hội nên luôn muốn giữ con mình ở nhà. Đứa con gái lại là một đứa trẻ hiếu động, thích đi chơi, hướng ngoại. Việc người mẹ liên tục không cho con mình ra ngoài, bà nghĩ rằng đó là tình yêu con nhưng vô tình lại tạo nên sự ác cảm và khoảng cách của mình và con ngày càng xa hơn.
_ Loại kỳ vọng từ người khác: Đó là khi một người thay đổi bản thân theo tiêu chuẩn của người khác để được chấp nhận, được yêu thương và quan tâm. Điều này nghe vừa tích cực mà vừa tiêu cực. Tức là nếu như thay đổi bản thân theo hướng vươn lên để được tương xứng với một tầng lớn cao hơn thì cũng có khi là tốt. Nhưng hạ thấp bản thân hoặc thậm chí phải vờ biến thành một người không phải mình để được cùng đẳng cấp với một loại tầng lớp nào đó nhất định thì rất cùng cực. Tuy nhiên, tích cực hay tiêu cực gì thì cũng giống nhau ở một điểm – đó là đánh mất bản thân.
Vậy đánh mất bản thân thì sao gọi là ích kỷ? Đó là vì người khác mà? Nó là sự ích kỷ bởi vì mục tiêu thật sự của sự thay đổi này đến từ mong muốn được “thành quả” cho bản thân, vì bản thân, chứ không phải cho người khác như ta tưởng.
Phần này quá dễ hiểu nên mình nghĩ không cần cho ví dụ đâu.
Những mối quan hệ xuất phát từ sự vị kỷ thường sẽ không lâu bền (dù nó luôn là những quy chuẩn và yếu tố rất phổ biến trong định nghĩa về tình yêu ngày nay). Mình không dám khẳng định nó đúng hay sai khi niềm tin của con người về định nghĩa tình yêu dựa trên sự vị kỷ này quá lớn, lớn đến nổi nó trở thành chân lý luôn rồi. Nên một con người nhỏ bé như mình không ngồi đây ba hoa đi ngược lại dư luận làm gì, mình chỉ xem nó là một định nghĩa rất “đời” về tình yêu mà thôi.

Sự phân biệt

Tình yêu xuất phát từ sự vị kỷ tất nhiên sẽ luôn đi kèm “tôi” trong những mối quan hệ thật sự mà bản thân bạn gọi tên là “tình yêu”. Những loại tình yêu mà bạn sẽ gọi tên trong đời là:
_ Tình yêu “đôi lứa”:Tình yêu giữa bạn và người yêu/chồng/vợ

_ Tình yêu “gia đình”: Tình yêu giữa bạn và bố mẹ/ông bà/con cái/họ hàng

_ Tình yêu “bạn bè”: Tình yêu giữa bạn và những người bạn thân thiết

_ Tình yêu “người tốt”: Tình yêu giữa bạn và những người đối xử tốt với bạn, những người yêu thương bạn, những người làm việc tốt, những người tài năng, những người giỏi giang, những người tuyệt vời

_ Tình yêu “phân biệt”: Tình yêu của bạn dành cho những người, những vật, những thứ mà bạn yêu thích dựa theo “cảm xúc” cá nhân
Bạn thấy đấy, tình yêu của bạn dành cho người khác sẽ luôn là mối quan hệ giữa những người có liên quan đến bạn. Khi mình đã dùng từ vị kỷ, tức là lấy bản thân bạn làm trung tâm thì “tình yêu” của bạn sẽ được giới hạn trong một phạm vi nhỏ, thân thiết và có sức ảnh hưởng lẫn nhau theo hướng tích cực. Đây là “tình yêu” của một con người bình thường nên các bạn đừng thấy nó bất thường nha vì mình cũng bình thường y vậy.

Nếu bạn thấy hữu ích hãy chia sẻ

Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về Tình yêu đích thực là gì ? nhằm cải thiện tốt hơn sản phẩm, dịch vụ cho bạn

Gửi đánh giá của bạn
Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về Tình yêu đích thực là gì ? nhằm cải thiện tốt hơn sản phẩm, dịch vụ cho bạn
Bấm vào để tải lên
Bạn có thể tải tối đa 10 hình ảnh
  • {error}
Nhận xét