Nguyên nhân trẻ chậm biết nói nên can thiệp sớm giúp trẻ tại gia đình

Nguyên nhân trẻ chậm biết nói nên can thiệp sớm giúp trẻ tại gia đình

Trẻ chậm biết nói nên can thiệp sớm giúp trẻ tại gia đình vì sự phát triển bình thường trong ngôn ngữ nói của trẻ là khi 2 tuổi trẻ đã nói rất nhiều, bé tự nói chuyện khi chơi. Trẻ sau 2 tuổi chưa nói được từ nào bị xem là trẻ bị chậm nói. Cha mẹ cần theo dõi sát sao quá trình phát triển của con mình, nhằm phát hiện sớm trẻ chậm nói và xử lý vấn đề càng sớm càng tốt.

Bạn cần chú ý nếu trẻ từ 12 đến 24 tháng có những dấu hiệu sau: Không làm được nhiều cử chỉ khi 12 tháng tuổi, không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi… Sau đây Kinhnghiemquy.com sẽ chia sẻ cùng các bậc cha mẹ nguyên sao tại sao trẻ chậm biết nói và nên can thiệp sớm giúp trẻ tại gia đình. Cùng tham khảo nhé!

Trẻ chậm nói, có thể do có vấn đề ở cơ quan phát âm hay do sự tác động của các yếu tố tâm lý, giáo dục gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Nguyên nhân trẻ chậm biết nói

Dấu hiệu cho thấy bé chậm nói


Bé sơ sinh không đáp ứng với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh nào thì đặc biệt cần chú ý. Từ 12 đến 24 tháng, những trẻ có dấu hiệu sau cần chú ý:

– Không sử dụng điệu bộ, cử chí, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay bye-bye khi được 12 tháng tuổi
– Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi
– Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi
– Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản

Sự phát triển bình thường trong ngôn ngữ và lời nói của trẻ

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ được biểu hiện như sau:

Từ 3 – 6 tháng: trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.
Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau.

Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.

Từ 6 – 9 tháng: nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”.
Từ 9 – 12 tháng: trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ.
Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.
Từ 12 – 15 tháng: trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
Từ 15 – 18 tháng: sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố, hình con cá hoặc hình con chó…
Từ 18 tháng đến 2 năm: biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
Từ 2 – 3 tuổi: nói rất nhiều, biết từ 50 – 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản.
Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không?. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
Từ 3 – 4 tuổi: trẻ nói được các câu phức tạp trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao…

Chăm sóc phát triển ngôn ngữ ở trẻ tập nói

Cha mẹ cần quan tâm chăm sóc thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ tùy theo độ tuổi. Trẻ có thể nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói.

Do đó cha mẹ cần khuyến khích trẻ tập nói.

Cần thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói. Chú ý lắng nghe, cho con bạn có thời gian để thực hiện những lời trẻ sắp nói, cũng như thường xuyên đưa ra lời động viên như: “Con nói giỏi lắm”, giúp trẻ mạnh dạn tập nói.
Nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho con bạn biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt. Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Trẻ chậm biết nói vì cha mẹ quên dạy

Gần 5 tuổi nhưng bé Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không nói được từ nào, dù trước đó, hồi 2 tuổi bé đã gọi được từ “mưa”. Gia đình phải đọc cử chỉ, ánh mắt để hiểu con muốn gì.
Chị Hải, mẹ Thảo cho biết hai vợ chồng chị mải đi làm cả ngày, nên việc chăm con giao hoàn toàn cho ông bà. Cháu đầu lòng nên ông bà chăm chút tỷ mỷ, từng ly từng tý. Muốn ăn, uống gì bé chỉ cần chỉ tay, hoặc dùng ánh mắt là ông bà đã vội vàng đi lấy.
Một tuổi thấy con không nói, thi thoảng chỉ i a, gia đình nghĩ cháu chỉ chậm biết nói. Nhưng hơn 4 tuổi, cháu vẫn không tíu tít nói như bao đứa trẻ bình thường khác. Thi thoảng nghe mọi người xì xào nào cháu chậm phát triển trí tuệ, thậm chí tự kỷ, chị thấy tủi thân. Nhưng chị không nghĩ con mình như thế, vì ngoài chậm nói, cháu vẫn chơi, vẫn hiểu ý mỗi khi chị nói, rất thích được đi chơi.
“Đến khi đưa con đi khám tâm lý, tôi vui mừng biết bao khi bác sĩ bảo cháu chỉ bị chậm nói. Nhưng điều làm tôi day dứt hơn cả là cháu bị như ngày hôm nay là tại gia đình không chịu trò chuyện nhiều với con”, chị Hải tâm sự.
Tuy nhiên theo nhà tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng, Phòng khám Tuna (Hà Nội), bé Thảo không phải chậm phát triển trí tuệ mà chỉ đơn thuần là rối loạn ngôn ngữ, bị chậm nói vì gia đình quá bao bọc. Cháu ít khi được cho đi chơi nên không có cơ hội chơi với các bạn cùng trang lứa, cũng không đi nhà trẻ vì cứ đi là khóc, bỏ ăn.
“Bình thường trẻ sẽ học cách nói để thể hiện nhu cầu của mình, chẳng hạn khi muốn uống nước bé sẽ tập nói từ “nước”. Nhưng ông bà chăm chút cháu kỹ quá, chưa cần trẻ nói đã vội vàng lấy nước cho uống. Việc làm này tạo cho trẻ tâm lý được phục vụ mà không cần giao tiếp, trẻ không cần nói mà vẫn được đáp ứng. Trẻ không có nhu cầu nói, không cần nói nên chậm phát triển về ngôn ngữ”, chị Tùng cho biết.
Hiện tượng này gặp nhiều ở trẻ từ 18 tháng đến 3-4 tuổi, trẻ nói được mấy từ nhưng không phát triển thêm. Rối loạn ngôn ngữ nghĩa là bé nói âm đầu thì bớt âm cuối, nói được câu đầu mất câu sau, nói không hoàn chỉnh câu, đi học lớp một nhưng bé chưa kể được một câu chuyện theo lôgic. Bé cũng có thể nói ngọng, nuốt lời, nuốt âm, “chẳng” thành “chẳn”, hoặc không biết cách sắp xếp ngôn ngữ “bà ăn cơm” thành “cơm ăn bà, ăn cơm bà”…
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trẻ chậm nói, trong đó chủ yếu là do môi trường gia đình, cách dạy dỗ của cha mẹ. Gia đình làm thay trẻ quá nhiều cũng không tốt, nhưng nếu có dạy con, song hờ hững, không nói chuyện trực tiếp với con cũng không tốt, như trường hợp cu Bin ở tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. 36 tháng tuổi nhưng bé vẫn chưa biết gọi mẹ, mà chỉ bập bẹ “ba ba, nhanh nhanh, bai bai, cá”. Thích thì nói không thích thì thôi, muốn cái gì chủ yếu là cháu chỉ tay hoặc cầm tay kéo ba, mẹ lại.
Chị Thanh – mẹ cháu cho biết, một phần vì không có thời gian nên hầu như chị không nói chuyện với con nhiều ngoại trừ những câu nói lúc cho con ăn. Buổi tối vợ chồng mải nói chuyện với nhau, trong khi con xem tivi hoặc thơ thẩn chơi một mình.
Nhiều cha mẹ cũng giống như chị Thanh cho rằng trẻ học nói bằng cách lắng nghe âm thanh, nên chỉ cần hai vợ chồng nói chuyện với nhau là đủ. Thực tế, nếu chỉ học bằng cách này, bé sẽ chỉ nói được bập bõm một vài từ nghe thấy, nhưng không hề hiểu nghĩa của chúng, nhà tâm lý cho biết.
Ngoài ra, trẻ nói chậm có thể do tổn thương thực thể, bị vàng da bệnh lý, thiếu máu. Cũng có thể là nguyên nhân tâm lý do những cú sốc mất người thân, trong gia đình ít được yêu thương, không được tôn trọng… nhưng ít gặp.
Một số người cho rằng, 18 tháng tuổi bé chưa nói được thì cũng không cần quá lo lắng vì nếu là chậm nói đơn thuần đến 2-3 tuổi trẻ sẽ nói được. Theo chị Tùng, điều này đúng trong một vài trường hợp, nhưng nếu biết nói chậm bé sẽ rất thiệt thòi trong việc tiếp thu, phát triển nhận thức, tư duy ngôn ngữ kém. Khi đi học sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là những môn liên quan đến tư duy ngôn ngữ. Trẻ có thể đọc chậm, viết kém, văn miêu tả kém. Việc chậm nói cũng khiến trẻ mất tự tin trong giao tiếp, khó biết cách bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình có thể dẫn đến bực tức.
Chị Tùng khuyến cáo, khi thấy con có biểu hiện chậm nói, không bằng những trẻ cùng lứa tuổi khác, cha mẹ nên lưu ý, phát hiện sớm, đưa cháu đi khám tìm hiểu nguyên nhân. 8-9 tháng tuổi trẻ đã bập bẹ nói, cha mẹ cần tạo môi trường, cơ hội cho bé được nói. Thường xuyên nói chuyện với con, đọc chuyện cho con nghe, đặc biệt để bé nhìn thấy khẩu hình miệng khi đang nói. Trẻ cần được khuyến khích nói như khuyến khích tập đi.

Phải làm gì khi bé 24 tháng vẫn chưa biết nói?

Hỏi: Con tôi đã được 24 tháng tuổi rồi, nhưng cháu chưa nói được từ nào trong khi những đứa trẻ bằng tuổi đã có thể nói bắt chước người lớn từng từ. Xin hỏi bác sĩ có phải con tôi bị chậm nói hay mắc bệnh gì khác? Tôi có nên đưa cháu đi khám không?
Trả lời của bác sỹ nhi khoa:
Theo sự phát triển bình thường về ngôn ngữ và lời nói của trẻ thì khi được 18 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể nói khoảng 20 và 50 từ hoặc hơn thế nữa khi được 2 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm trẻ học nói không giống nhau. Có trẻ bập bẹ những từ đơn giản đầu tiên vào 12 tháng tuổi, có trẻ tháng thứ 24 mới bập bẹ. Song thường trẻ bắt đầu học nói ở tháng thứ 18. Nếu con bạn lên 2 tuổi mà vẫn chưa nói được thì coi như chậm nói.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói có thể do khả năng vận động của miệng như khó khăn trong việc sử dụng lưỡi, răng và hàm để tạo âm thanh. Vấn đề về thính giác đôi khi cũng là nguyên nhân gây chậm nói. Nếu thính giác kém, trẻ sẽ gặp vấn đề về hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
Bạn nên tiếp tục theo dõi và khuyến khích trẻ phát âm bằng cách nói chuyện với cháu nhiều hơn, thường xuyên đọc truyện, hát cho cháu nghe và khuyến khích trẻ bắt chước ngôn ngữ của mình, giải thích cho trẻ bạn đang làm gì khi nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa, nói cho trẻ biết tên những thực phẩm: rau, củ, quả hay đồ dùng, đồ uống, đồ chơi…
Bạn nên đưa cháu đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc kiểm tra ở Khoa Thính học để phát hiện nguyên nhân gây chậm nói.

Bé chậm nói có phải kém phát triển trí tuệ?

Hỏi: Con trai tôi 3 tuổi, cân nặng 15 kg, cao 98 cm, ăn ngủ bình thường, hiểu, nhận biết tốt, tính hiếu động (thích đá, tranh bóng với bạn và anh trai). Hiện nay, cháu chỉ nói được một số từ như trẻ em 1,5 tuổi và vài câu 3-4 từ.
Cháu chưa đi trẻ, đang ở nhà do bà nội trông. Xin hỏi cháu có bị bệnh chậm phát triển trí tuệ không? Nếu có thì xin cho biết cách chữa trị, bệnh viện nào? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trả lời của bác sỹ tâm lý nhi khoa:
Con bạn 3 tuổi với cân nặng, chiều cao như vậy và ăn ngủ bình thường thì trong giới hạn phát triển bình thường và còn tốt nữa. Cháu hiếu động, hiểu và nhận biết tốt thì không có gì lo lắng.
Về phát triển trí tuệ, nếu bạn cho biết con bạn bao nhiêu tháng tuổi thì có thể nhận định rõ hơn vì trong 36 tháng đầu đời, trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp rất nhanh, nhanh tới mức có thể nhận biết tiến bộ sau mỗi 3 tháng.
Hiện tại con bạn có thể nói một số từ như trẻ em 1,5 tuổi và vài câu 3 – 4 từ có nghĩa là đang chuyển từ nói từng từ tới nói từng câu, là hợp lý với tiến trình phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn 21 – 36 tháng (3 tuổi).
Tôi lấy ví dụ con bạn nói: “Con đói, cho con ăn.” Khi trông thấy món ăn mà trước đó trẻ “khoái”. Hoặc, ít hơn, khi trông thấy đồ chơi trẻ thích, trẻ nói “mẹ, (ba) cho con” thì có lẽ bạn nên an tâm và nên cho cháu tiếp xúc với nhiều trẻ bên ngoài nhiều hơn nữa, nếu chỉ ở nhà với bà nội có thể không đủ thuận lợi để trẻ nói nhiều hơn.

Theo tác giả Elain Wetzman, bạn có thể kiểm tra khả năng ngôn ngữ con bạn trong giai đoạn 24 – 36 tháng với một vài gợi ý sau:

– Nói và chỉ đúng tên các bộ phận chính của cơ thể (đầu, tay chân, bụng,…)
– Hỏi và tìm “trái banh đâu?”
– Biết nói “con không thích” khi bị anh hai “giành phần” nhiều hơn.
– Biết nói câu đơn nhưng có động từ, ví dụ “mẹ về”, hoặc, “mẹ đã về”.
– Có thể nói “con tên Tí, con 3 tuổi; hai tên Tèo, hai đi học”.
….
Cho dù con bạn chưa “đạt” đủ những ví dụ trên, bạn cũng không nên quá lo lắng. Trước hết bạn hãy sắp xếp thời gian cho cháu có thời gian chơi nhiều hơn với nhiều trẻ khác. Dành nhiều thời gian cho con, bạn sẽ thấy con bạn có những tiến triển bất ngờ.

Kinhnghiem.com đã tổng hợp trên đây những nguyên nhân trẻ chậm biết nói hy vọng các bậc cha mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên thì quan trọng nhất các bậc cha mẹ nên quan tâm con cái nhiều hơn để phát hiện sớm can thiệp giúp trẻ mau biết nói tại gia đình.Chúc các bậc cha mẹ va các trẻ luôn mạnh khỏe!

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con chậm nói từ một bà mẹ có con chậm nói

Vài lời khuyên cho các phụ huynh có con chậm nói và bắt đầu can thiệp cho con:

1. Xác định xem con mình ở mức độ nào: bạn nên đưa con đi khám ở nhiều nơi, đọc các tài liệu, dự hội thảo, làm quen các phụ huynh cũng cảnh … Mình cần xác định con đang chậm so với trẻ cùng tuổi ở mức độ nào và từ đó phác ra một sơ đồ các mục tiêu cần dạy cho con. Về tài liệu thì có rất rất nhiều. Tôi cũng từng đọc và rối hết cả lên.
2. Sau khi xác định vị trí con hiện tại và đích ngắm đến, hầu như ai cũng vậy, cảm thấy vô cùng lo lắng, choáng ngợp, trời ơi, khoảng cách lớn quá, bao nhiêu thứ con mình chưa biết so với trẻ cùng tuổi, làm sao mà dạy được đây, ước gì có thứ thuốc gì uống 1 cái mấy hôm sau nó thành người bình thường … Tôi cũng vậy, trước khi bắt đầu xác định con cần phải can thiệp tôi chỉ thấy bé có mỗi 1 vấn đề là ko biết nói, tới chừng tìm hiều mới thấy con mình “chậm toàn diện” về mọi mặt phát triển. Tôi từng gặp 1 gia đình, ba mẹ thì lo lắng con mình sao chưa biết nói, trong khi đó bà ngoại cứ ngồi khen: thắng bé này khôn lắm, chỉ chưa có nói thôi chứ nó biết cái này nè, nó biết cài kia nè … Tới chừng ngồi chấm điểm cho con, mọi người mới thật sự lo lắng, trong cả trăm thứ các bé cùng tuổi có thể làm thì bé chỉ làm được vài thứ còn đại đa số là không biết.
3. Bởi vậy trước khi chữa cho con, bạn phải “chữa” cho mình đã: bạn cần phải chấp nhận sự thật là con bạn có vấn đề. Hầu như ai cũng trải qua cảm giác buồn bã, lo lắng, không thể tin được: tại sao lại là con mình?”. Hãy cố gắng để cảm giác đó qua nhanh. Thực sự là tất cả các bé, nặng nhẹ thế nào đi nữa, nếu có can thiệp thì đều tốt hơn là không. Bạn cứ chấp nhận mọi việc và tin rằng nếu cố gắng sẽ có kết quả thì bạn cũng sẽ cảm thấy mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi cũng thấy có nhiều người quyết định dấu kín không cho mọi người xung quanh biết con mình bị như thế này. Theo tôi như vậy bạn sẽ đánh mất cơ hội chia sẻ cùng những người khác, hãy cởi mở hơn vì bạn có thể giúp đỡ và nhận sự giúp đớ từ rất nhiều người.
4. Tôi thấy có nhiều người cũng quá để tâm tìm hiểu xem con mình tự kỷ hay không tự kỷ. Tôi nghĩ điều đó không quan trọng, tôi nghe Bs, Ngọc Thanh nói để xác định 1 bé tự kỷ hay không phải tới 6-7 tuổi mới biết chính xác được. Vậy không lẽ ngồi chờ tới ngày đó, trong khi thời điểm can thiệp vàng là từ 2-6 tuổi ?. Tóm lại đằng nào thì mình cũng không nên ngồi đó mà chờ đợi, hay bắt tay vào việc luôn, nếu con mình bị nhẹ thì may quá còn nếu thực sự tự kỷ thì lại phải đầu tư can thiệp nhiều hơn nữa.
Để bắt tay vào việc can thiệp, bạn hay liệt kê ra tất cả những gì mà bé thích, bé ghét, bé sợ, những hành vi kỳ cục của bé …
Tôi chắc chắn 100% không có 1 bé nào mà lại không thích một cái gì. Chúng ta sẽ chọn những điểm bé thích, những khả năng là thế mạnh của bé để từ đó như vết dầu loang sẽ dạy bé những cái khác.
Những gì bé ghét, sợ thì mình phải có kế hoạch đối phó: tránh đi, làm quen từ từ để bé quen
Những hành vi kỳ cục (nếu có): VD như có bé hay tự đánh mình, tìm hiểu cho được nguyên nhân, cách xử lý. Cái này thì con mình không có nhiều nên mình không có kinh nghiệm.
Đề dạy các bé, mình nên hình dung một sơ đồ như sau: trước hết bé cần hiểu được, tiếp tới giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời, tiếp tới giao tiếp bằng lời.
Quá trình học nói của bé giống như chúng ta học ngoại ngữ mà không có giáo viên bản xứ nên thời gian đầu sẽ vất vả, nhưng khi có một số vốn từ căn bản sẽ học rất nhanh.
Các bé cũng học giống như bạn học ngoại ngữ. Đầu tiên bạn sẽ phải học các danh từ (What/ Who is this ?) thì các bé cũng phải học tên các sự vật và người xung quanh.
Biết được một vài danh từ cơ bản rồi thì học tới động từ. Thế là thành 1 câu rồi VD: con ăn, con ngủ.
Cách dạy những danh từ, động từ và tính từ đơn giản thì chúng ta có thể dùng hình ảnh thật, thẻ hình, hình trên vi tính, phim. Trong tất cả tôi thầy hình trên vi tính và phim là hiệu quả nhất, bởi thế các phụ huynh nên chăm chỉ làm các nhà sản xuất phim nhé !. Hình ảnh thật thì quá tốt rồi nhưng đâu thể đủ và nhiều được, VD mình dạy về nghề nghiệp với 1 bộ hình bé sẽ thấy được bác sĩ, công nhân, lính cứu hỏa … chứ ngoài đời kiếm đâu ra mà chỉ cho bé.
Tiếp theo là học tất cả những thành phần khác để bổ sung cho câu như: tính chất, số lượng, sở hữu, so sánh,
Tiếp theo là học những câu phức tạp hơn như: câu hỏi, câu mệnh đề như: nếu .. thì …; tại vì …, v.v…
Cao cấp hơn thì ngôn ngữ trở thành một công cụ để diễn đạt. Khi đó khả năng nói không còn quan trọng nữa mà chủ yếu cần là khả năng suy nghĩ, sắp xếp ý tứ, câu chữ … Đến như người bình thường, ai cũng biết nói nhưng nói năng lưu loát, khúc chiết còn tùy ở khả năng mỗi người. Tôi biết có những người rất giỏi nhưng khi trình bày một vấn đề gì đó thì rất dở, nói lòng vòng, lộn xộn, khó hiểu hoặc nghe rất buồn ngủ, nhàm chán. Cho nên dạy trẻ nói được là một bước đáng mừng nhưng quá trình tiếp theo dạy trẻ biết diễn đạt còn khó hơn gấp bội. bởi vì diễn đạt tốt là liên quan tới tư duy.
5. Nắm được chiến lược chung rồi thì chúng ta sẽ lên kế hoạch cho từng giai đoạn một
Bạn nên phác thảo một giáo án, và mua một bảng lớn treo trong nhà trên đó ghi lại những mục bạn tính dạy cho con trong tuần / tháng này, những trò để chơi.
Mình nên ghi ra để cả gia đình cùng biết và dạy con, vì nhiều thứ quá, mình rất dễ quên.
Nhưng mỗi bé mỗi khác, chúng ta cần chọn lựa những “điểm đột phá”: những khả năng bé giỏi nhất, những thứ bé thích nhất, để từ những điểm này ta dễ thu được thành công nhất, từ đó nhích từng chút một độ khó mở rộng dần khả năng của bé. Mỗi bé mỗi khác, gia đình cần chọn lựa cho con mình một con đường đi thích hợp nhất. Trong blog tôi chỉ ghi lại những bước tôi đã làm với con tôi, tôi nghĩ không phải tất cả các bé cần đi theo những thứ tự như thế. Tuy nhiên tôi nghĩ 2 bước bắt buộc bé nào cũng phải “tốt nghiệp” trước khi có khả năng học các thứ tiếp theo: chỉ bằng một ngón và quay lại khi gọi tên.
Chúng ta ai cũng đã từng đi học, chúng ta đều thấy: cái gì mình thích, cái gì vui dễ tiếp thu và nhớ mau hơn. Với trẻ em cũng vậy. Tất cả đều cần biến thành trò chơi.
Nhiều bạn hỏi tôi: có cần cô giáo không ? Theo ý riêng của tôi thì: cần, chúng ta thấy trẻ bình thường vẫn cần cô giáo vì cô giáo dạy nó sẽ sợ hơn và chịu nghe lới hơn) nhưng không thể phó thác hoàn toàn cho cô giáo mà gia đình và cô giáo cần trao đổi thường xuyên, đánh giá mức độ tiến bộ để có cách dạy phù hợp.
Tìm cô giáo ở đâu cũng là vấn đề đau đầu nhiều phụ huynh. Tôi nghĩ nếu ko có cô giáo chuyên nghiệp chúng ta cũng có thể nhờ 1 cô giáo mầm non bình thường miễn sao cô thương trẻ, có quyết tâm và kiên nhẫn là được.
Cô này có thể hợp với trẻ này mà không hợp với trẻ kia, bởi vậy phụ huynh cần theo sát, nếu cô không có khả năng thì cho nghỉ ngay, tìm người khác.
Có nên cho bé đi nhà trẻ không ?. Theo tôi là nên nhưng vấn đề là đi nhà trẻ nào, thời lượng ra sao, phải bàn với cô giáo nhà trẻ để cô quan tâm hơn, hướng dẫn bé kỹ hơn và kiên nhẫn hơn.

Bạn nên đưa bé đi khám nếu trẻ trên 2 tuổi

– Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ
– Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu
– Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản
– Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hoặc the thé)
– Khó khăn trong việc hiểu ở tuổi này. Cha mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra khi 2 tuổi và khoảng 3/4 vào lúc 3 tuổi. Vào năm trẻ lên 4, thậm chí người lạ cũng phải hiểu được trẻ nói gì.

Cha mẹ có thể làm gì

Trước tiên cha mẹ, người thân cần chú ý chăm sóc, quan tâm phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ phù hợp với độ tuổi, và cần can thiệp sớm khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về phát triển ngôn ngữ.

Các biểu hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ ở trẻ:

– Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
– Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
– Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
– Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng.
– Không cười tự phát lúc 6 tháng.
-Không bập bẹ lúc 8 tháng.
-Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi.
– Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.

Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cha mẹ tại gia đình, hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.

Đối với trẻ chậm nói do nguyên nhân thực thể, đa phần là do trẻ có vấn đề về thính lực. Các bác sĩ phải điều trị về thính lực cho trẻ. Đối với trẻ bị điếc nhẹ và điếc trung bình thì việc điều trị trước 5 tuổi rất có hiệu quả. Trong những trường hợp điếc do viêm tai, thủng màng nhĩ, trẻ sẽ được điều trị bằng phẫu thuật, vá màng nhĩ để nâng sức nghe. Với những trường hợp không nghe lại được thì phải can thiệp bằng cách đeo máy nghe.

 

Những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói…
Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do ví sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
Ngoài ra, trẻ chậm nói còn có nguyên nhân do tâm lý. Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Khi đi cũng nên làm quen với nhà trẻ từ từ

Nên tập vận động không ? Theo tôi là nên. Bạn cứ nhìn những người bị tai biến tổn thương não họ cũng phải tập vận động để hồi phục. Như vậy vận động là tốt cho hệ thần kinh. Trẻ con ngày xưa suốt ngày lê la chơi với trẻ con khác: nào leo trèo, đuổi bắt, nghịch đất nghịch cát, cộng thêm có nhiều cộng đồng xung quanh như người thân, bà con lối xóm trò chuyện. Tất cả những tác động đó giúp cho trẻ mau hiểu hơn. Cờn giờ trẻ con ít được trò chuyện (ai cũng chúi mũi vào TV, internet, game …). Tất cả hợp lại với các ô nhiễm môi trường nên trẻ con có vấn đề vê nói ngày một nhiều.
Có nên nghỉ ở nhà chăm con không ?. Tôi từng nghỉ 6 tháng ở nhà để dành thời gian cho con. Theo tôi tùy mức độ mỗi bé, nếu bạn nghỉ ở nhà một thời gian, kết hợp cùng cô giáo thì chắc tốt hơn.

 

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO