Phẫu thuật Laser Holimum - Phương pháp tiên tiến điều trị u phì đại tuyến tiền liệt

Phẫu thuật Laser Holimum - Phương pháp tiên tiến điều trị u phì đại tuyến tiền liệt

Phẫu thuật nội soi laser holmium bóc u phì đại tuyến tiền liệt (Holep) là một loại phẫu thuật laser được sử dụng để điều trị tắc nghẽn dòng tiểu do u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (BPH). Phì đại tuyến tiền liệt gây ra bí đái, đái khó, đái không hết bã

Ai cần phải điều trị bằng laser holmium của tuyến tiền liệt (HoLEP)?

Phẫu thuật Laser holmium (HoLEP) được phát minh từ những năm 1990 và được phát hiện ra là đặc biệt hiệu quản trong phẫu thuật tiết niệu được áp dụng vào phẫu thuật tiết niệu ngày càng nhiều hơn và mang lại hiệu quả cao, an toàn, giảm giá thành điều trị so với phẫu thuật laser bốc hơi tuyến tiền liệt và các phương pháp nội soi cắt u phì đại tuyến tiền liệt khác.
U phì đại tuyến tiền liệt (BPH) xảy ra ở hơn 40 % nam giới trên 60 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu khó tiểu không hết bãi, tiểu đêm nhiều lần.

Khi tuổi càng cao triệu chứng này càng nặng lên, mặc dù nhiều trường hợp tắc nghẽn đường tiết niệu do (BPH) giai đoạn đầu có thể được điều trị nội khoa và theo dõi mà không cần phẫu thuật.

Khi nào cần phẫu thuật u phì đại tuyến tiền liệt?

Bệnh nhân bị u phì đại tiền liệt tuyến có biến chứng cần phải được phẫu thuật


Bệnh nhân cần phẫu thuật khi có các dấu hiệu sau:

  • Bệnh nhân bị u phì đại tiền liệt tuyến có biến chứng.
  • Bí đái hoàn toàn, kể cả sau rút ống thông niệu đạo.
  • Bí đái không hoàn toàn có nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu, điều trị nội thất bại.
  • Đái máu tái diễn do u phì đại tiền liệt tuyến.
  • Túi thừa bàng quang, sỏi bàng quang do u phì đại tiền liệt tuyến.
  • Nhiễm khuẩn niệu tái diễn.
  • Suy thận (nên điều trị hết suy thận trước khi cắt nội soi).
  • Hoặc bệnh nhân bị u phì đại tiền liệt tuyến làm ảnh hưởng tới sức khỏe, giấc ngủ hoặc cản trở nghề nghiệp (tương đối).

Bệnh nhân có thể không phẫu thuật được bằng phương pháp Phẫu thuật Laser holmium (Holep) khi có các bệnh sau:

  • Hẹp niệu đạo (không đặt được máy nội soi).
  • Cứng khớp háng (không nằm được tư thế sản khoa).
  • Rối loạn đông máu.
  • Bệnh nội khoa nặng hoặc đang tiến triển (tim mạch, hô hấp...).

Ưu điểm của Phẫu thuật Laser Holmium Ưu điểm

  • Bệnh nhân không có vết mổ, cảm giác về mặt tâm lý, thẩm mỹ tốt.
  • Hậu phẫu nhẹ nhàng do ít đau, nhanh lấy lại vận động do đó tránh được các biến chứng do nằm lâu, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân chóng đi tiểu theo đường tự nhiên.
  • An toàn, nguy cơ chảy máu và thủng rất thấp vì hầu như không cần phải rửa liên tục sau mổ.
  • Cầm máu tốt, giảm ngày lưu thông tiểu và ngày nằm viện ngắn.
  • Tránh tình trạng hấp thụ dịch nhược trương vào cơ thể một cách thụ động do sử dụng dung dịch NatriClorua 0,9% không có ion (Glycine hoặc Manitol).
  • Giảm nguy cơ tổn thương bỏng điện tại vị trí tiếp xúc với bản điện cực, giảm nguy hiểm đối với những người bệnh đặt máy tạo nhịp do không có dòng điện (Như dao đơn cực) chạy qua cơ thể người bệnh.


Phẫu thuật Laser Holmium có nhiều ưu điểm so với các phương pháp truyền thống

Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện Phẫu thuật Laser holmium?

Siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng có thể được thực hiện nhằm đánh giá thể tích tuyến tiền liệt và hình thái của bàng quang.

Tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu cũng sẽ được chỉ định thực hiện trước phẫu thuật nhằm đảm bảo người bệnh không bị nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc nếu có, cần điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật. Lịch phẫu thuật sẽ phải hoãn trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu chưa được điều trị. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng sẽ cần làm xét nghiệm máu trong đó có xét nghiệm kiểm tra chức năng thận chức năng đông máu, tình trạng tim, phổi.... Bác sĩ gây mê và phẫu thuật viện sẽ là người xem kết quả các xét nghiệm này.

Việc dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông có thể sẽ phải dừng trong nhiều ngày hoặc có thể tiếp tục dùng với liều thấp tùy thuộc vào ý kiến của bác sĩ tim mạch và bác sĩ gây mê. Kháng sinh dự phòng trước mổ được chỉ định thường quy theo phác đồ của cơ sở y tế - nơi người bệnh được phẫu thuật.

Quy trình Phẫu thuật Laser Holmium

Phẫu thuật này được thực hiện dưới gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

Bác sĩ phẫu thuật đưa qua ống niệu đạo dụng cụ dùng để cắt có gắn kèm camera giúp quan sát bên trong niệu đạo và định vị tuyến tiền liệt. Đầu cắt được gắn nguồn năng lượng laser để bóc nhân xơ Tuyến tiền liệt. Trong quá trình phẫu thuật, dung dịch nước muối sinh lý được bơm rửa niệu đạo liên tục. Cuộc mổ hoàn thành sau khi các mảnh tuyến tiền liệt được xay nhỏ lấy ra ngoài bằng máy xay mô (Morcellator).

Sau mổ, người bệnh được đặt xông bàng quang, mục đích của việc đặt xông là rửa sạch bàng quang liên tục bằng nước muối sinh lý và nhằm tránh việc hình thành cục máu đông gây tắc xông tiểu.

Hậu phẫu thường gặp

Người bệnh có thể cảm thấy rát bên trong niệu đạo sau mổ. Đơn thuốc giảm đau có thể được kê nếu cần.

Khi nước tiểu qua xông trong, người bệnh có thể được rút xông, thời gian rút xông tiểu giao động khác nhau, thường từ vài giờ đến vài ngày sau mổ tùy theo quyết định của bác sĩ phẫu thuật. Trong trường hợp xuất hiện cục máu đông gây tắc, có thể cần bơm rửa bàng quang .

Sau mổ, người bệnh có thể được kê đơn thuốc chống đông hoặc quay trở lại dùng thuốc chống đông như đơn cũ nhằm phòng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch. Người bệnh cũng sẽ được kê đơn giảm đau trong vài ngày nếu cần.

Người bệnh được khuyến cáo uống nhiều nước (bao gồm > 2 lít nước, trà, cà phê, nước trái cây) và đi tiểu thường xuyên để tránh chảy máu, tránh máu cục trong bàng quang. Người bệnh cũng được khuyên nên tránh vận động mạnh, tránh táo bón, hạn chế ngồi lên vật cứng (Ví dụ đi xe đạp) hoặc đi xa trong tháng đầu tiên sau mổ.

Người bệnh có thể được làm các các xét nghiệm cận lâm sàng khi quay lại tái khám.

Các sinh hoạt thường ngày nên tăng dần cường độ nhằm tránh gắng sức, không sinh hoạt tình dục trong tháng đầu sau mổ. Ngoài ra, người bệnh không cần phải lưu ý đặc biệt khác.

Sau mổ, người bệnh cảm thấy tia tiểu mạnh hơn nhưng sẽ có cảm giác hơi buốt, rát khi đi tiểu trong tháng đầu, có thể bệnh nhân có tiểu gấp và tiểu nhiều, những triệu chứng này sẽ cải thiện dần dần.

Xuất tinh ngược dòng (tinh trùng xuất ngược lên bàng quang) là hiện tượng thường gặp (chiếm 70 – 90% các ca), biểu hiện bằng việc không thấy xuất tinh ra ngoài khi đạt cực khoái. Hiện tượng này xảy ra là do cổ bàng quang mở sau khi lấy bỏ u xơ tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, điều này thường không làm ảnh hưởng đến chất lượng cương dương cũng như ham muốn tình dục.

Kiểm tra định kỳ sau Phẫu thuật Laser holmium

Người bệnh cần được tái khám kiểm tra sau Phẫu thuật Laser holmium nhiều tuần đến nhiều tháng. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ cải thiện triệu chứng tiểu tiện và khả năng tống được hết nước tiểu của bàng quang. Người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu sàng lọc nhiễm trùng đường niệu và siêu âm hệ tiết niệu có đánh giá tồn dư nước tiểu sau đi tiểu cùng với đó là định lượng PSA.

Giai đoạn sau đó, người bệnh chỉ cần tái khám bác sĩ tiết niệu 01 lần/ năm sau mổ. Nhiều năm sau các mô tuyến tiền liệt có thể phát triển trở lại, người bệnh có thể tái phát các triệu chứng như trước mổ, tuy nhiên những trường hợp này hiếm gặp.

Bác sĩ khám bệnh
Người bệnh cần được tái khám kiểm tra sau Phẫu thuật Laser holmium nhiều tuần đến nhiều tháng

Nguy cơ và biến chứng của Phẫu thuật Laser holmium

Phần lớn các trường hợp sau mổ không ghi nhận có biến chứng. Tuy nhiên, bất cứ can thiệp ngoại khoa nào cũng đều có những nguy cơ và biến chứng được ghi nhận như sau :

Một số biến chứng có liên quan đến tình trạng sức khỏe chung và liên quan đến gây mê. Người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật giải thích về các biến chứng này trong lần thăm khám trước mổ và đây là các biến chứng có thể xảy ra đối với tất cả các can thiệp ngoại khoa.

Các biến chứng liên quan trực tiếp đến Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt bằng Laser holmium thường hiếm gặp nhưng có thể xảy ra như :

  • Đái máu có thể xuất hiện sau mổ từ vài ngày đến vài tuần sau mổ, có thể đái khó, bí đái do cục máu đông trong bàng quang, trong trường hợp này, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ phẫu thuật hoặc vào khám cấp cứu thuộc cơ sở y tế gần nơi cư trú. Người bệnh có thể phải tái nhập viện để được bơm rửa bàng quang lấy máu cục và có thể cần nội soi bàng quang để lấy bỏ cục máu đông bên trong bàng quang nhưng tỷ lệ này thường ít gặp.
  • Nhiễm trùng tiết niệu là biến chứng phổ biến (chiếm khoảng 10%) biểu hiện bằng triệu chứng sốt, tiểu buốt, người bệnh cần khám lại kiểm tra nước tiểu, cấy nước tiểu, siêu âm hệ tiết niệu và điều trị kháng sinh đường niệu.
  • Trong số ít các trường hợp (3%), hẹp niệu đạo hoặc hẹp cổ bàng quang thứ phát có thể xảy ra và có thể cần thực hiện thủ thuật nong niệu đạo hoặc can thiệp lại.

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thọ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Lời ngỏ

Học hỏi từ những sai lầm của bạn. Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng cách bạn đối phó với chúng là điều quan trọng. Hãy học hỏi từ sai lầm của bạn và sử dụng chúng như một cơ hội để phát triển. KinhNghiemQuy chia sẽ kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm chăm sóc e bé, kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm tài chính, kinh nghiệm giáo dục con, kinh nghiệm thú cưng, kinh nghiệm trong cuộc sống giúp bạn tránh được những sai lầm. Nếu bạn thấy thông tin hữu ích bằng việc click vào các quảng cáo trên website là bạn đã ủng hộ cho đội ngũ của chúng tôi. Xin chân thành cám ơn.

©Bản quyền 2014
Cung cấp bởi SOPRO